Chiều 23/11 tại TP.HCM diễn ra Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 do báo Đầu tư tổ chức. Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, sau 2 năm chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, với tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, dự báo cả năm đạt khoảng 8%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được đảm bảo. Có thể nói, đây là thành tựu rất đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang chứng kiến một bối cảnh kinh tế toàn cầu chứa đựng rất nhiều khó khăn, thách thức với nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước.
Các chính sách kiểm soát dịch COVID-19 làm tăng thêm ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư toàn cầu nói chung và vào Việt Nam nói riêng, trong đó có vốn thực hiện các thương vụ M&A.
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới dù đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng tính chung 10 tháng kể từ đầu năm 2022 vẫn giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22,46 tỷ USD; có 2.997 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 2,2% so với cùng kỳ, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Song tính chung, theo báo cáo mới nhất của KPMG, đến hết tháng 10/2022, tổng giá trị thương vụ trên thị trường M&A Việt Nam đạt khoảng 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2023, kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia… Những diễn biến khó lường trên toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam; thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, thậm chí thách thức, khó khăn còn nhiều hơn.
Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn. Chính vì thế, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và đã được thông qua với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 là 4,5%, còn tăng trưởng kinh tế là 6,5%. Đây là mức tăng trưởng hợp lý, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện mục tiêu này, ngoài các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, mà thông thường, sẽ được ban hành tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ, chúng ta sẽ tập trung thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, với riêng ngân sách dành cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình trình đã lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Cộng thêm khoản vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, năm 2023, chúng ta có hơn 726.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển.
Theo ông Phương, giải ngân nguồn lực lớn này là một thách thức, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội để chúng ta duy trì động lực phục hồi, đạt mục tiêu kế hoạch năm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, hướng đến các mục tiêu phát triển của Kế hoạch 5 năm.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năng lực và khả năng kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới; khả năng điều hành, ứng phó với những biến động của tình hình thế giới, khu vực cũng đã được nâng cao. Đây sẽ là thuận lợi cơ bản để kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong năm 2023, năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, để từ đó bước vào giai đoạn tăng tốc 2024-2025.
Giữ vững ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng khá, vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn, an toàn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư vẫn đặt nhiều niềm tin vào các giải pháp phòng chống dịch, điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Chính phủ Việt Nam.
“Đây sẽ là những động lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023; và cũng là động lực để thị trường M&A Việt Nam tiếp tục phát triển. Vì vậy, sự chững lại của hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian gần đây hy vọng chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục. Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng, vẫn luôn được đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng để “kích hoạt những cơ hội mới”, Thứ trưởng cho biết.
Lãnh đạo bộ cho biết, tiếp nối các chương trình, kế hoạch lớn trong năm 2022, như thực hiện “Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025”; “Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội”; xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng và thực thi các nghị quyết, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng, soạn thảo, hoàn thiện dự thảo các luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi)…, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, minh bạch cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A.
Cùng với các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam cũng đã và đang xây dựng các cơ chế, chính sách, nhằm thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, có tác động lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp trong nước.
Các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trong lĩnh vực công nghệ cao, có tác động lan tỏa đã được Chính phủ ban hành. Bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc cũng đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư, đồng thời để chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, có công nghệ nguồn, đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm vận động, kêu gọi đầu tư vào Việt Nam…
Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
“Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ”, Thứ trưởng nhận định.