Tại Hội thảo “Chính sách mới - Trợ lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển” được tổ chức mới đây, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: cùng lúc Nhà nước sửa đồng bộ 4 luật liên quan đến phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, đất đai... đây là hành động thể hiện sự quyết tâm và đồng bộ của pháp luật và tác động trực tiếp, trực diện đến các dự án nhà ở, bất động sản, đất đai, tín dụng.
Thông tin một số điểm mới, tác động đến thị trường, ông Hoàng Hải cho biết vừa qua Quốc hội đã thông qua các luật: Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Tín dụng. Điểm chung của các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các luật này là nhằm đảm bảo phù hợp tình hình thực tế, tháo gỡ tồn tại, hạn chế; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ giữa các luật này với các luật khác có liên quan để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cải cách thủ tục hành chính, chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế, thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở và thị trường bất động sản.
Đối với Luật Kinh doanh Bất động sản, theo ông Hoàng Hải một điểm mới nổi bật là các cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ, dưới quy mô nhỏ thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.
Bên cạnh đó, luật cũng thể hiện tính thống nhất và bổ sung, làm rõ các khái niệm pháp lý quan trọng. Trong đó, quy định rõ các công trình xây dựng được đưa vào kinh doanh liên quan đến bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng, y tế, thể thao, văn hóa để có ứng xử phù hợp. Đáng chú ý, luật cũng làm rõ khái niệm về condotel, officetel… nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc đầu tư, kinh doanh các sản phẩm.
Luật này cũng tăng sự công khai, minh bạch về thông tin dự án, giúp người mua có khả năng tiếp cận nhiều hơn các thông tin sạch, nâng cao việc bảo vệ người mua, giảm rủi ro tranh chấp.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, hiện luật mới cũng quy định các dự án khi đưa vào kinh doanh phải công khai thông tin, điều mà trước đây không có. Cùng với đó là bổ sung rõ các hành vi cấm cũng được quy định chặt chẽ hơn, hay việc mở rộng quyền kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Liên quan đến những vướng mắc của nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, tại hội thảo bà Lưu Thị Phượng, Tổng giám đốc Charm Group đặt vấn đề: Có trường hợp chủ đầu tư muốn chuyển đổi công năng siêu thị thành trung tâm tiêm chủng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân. Tuy nhiên, yêu cầu phải có sự đồng thuận của toàn thể cư dân. Thực tế, đã có 87% đồng ý, nhưng 13% không đồng ý, trong số không đồng ý có người đã chuyển đi và không thể liên lạc. Cư dân đã đồng thuận thì hỏi chủ đầu tư tại sao hỏi ý kiến rồi mà không thực hiện.
Về bất động sản nghỉ dưỡng bà Phượng cho biết, các khách hàng nước ngoài muốn đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng nhưng vẫn có điều kiện riêng và gặp vấn đề về vay vốn. Bà cho rằng cần có chính sách cởi mở hơn để thu hút đầu tư nước ngoài.
Về nội dung được bà Phượng đặt ra, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, vấn đề bất động sản nghỉ dưỡng cần quan tâm là chính sách huy động vốn và quy định về quỹ tín dụng. Cần tham khảo điều 114 với 5 tình huống huy động vốn như khi dự án có chủ trương, được lựa chọn chủ đầu tư, phát hành trái phiếu, hoặc thông qua nguồn vốn nước ngoài.
Về vấn đề đồng thuận của cư dân, theo ông Hoàng Hải, chuyển đổi mục đích sử dụng và kết cấu phải tuân theo quy hoạch nhà ở đã quy định rõ. Cần chấp hành chính xác các quy định trong chủ trương đầu tư và thông tư quy chế quản lý vận hành nhà, dự kiến đạt tỷ lệ nào đó sẽ được. Trước mắt, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng sẽ ghi nhận tình huống này để tìm giải pháp phù hợp.