Ngày 14/4, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 với sự tham gia của các cổ đông đại diện cho 75,55% cổ phần có quyền biểu quyết.
Ban lãnh đạo Lộc Trời đánh giá, năm 2022 là một trong những năm hoạt động tốt nhất trong lịch sử phát triển của tập đoàn. Lần đầu tiên, Lộc Trời thực sự tận dụng được cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) để trong 2 năm vừa qua, hơn 80 ngàn tấn gạo thượng hạng của tập đoàn đã đến châu Âu.
Kết thúc năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần cao kỷ lục, đạt 11.897 tỷ đồng, tăng 14%; quy mô tổng tài sản trên 8.700 tỷ đồng, tăng 11%.
Dù tín dụng thắt chặt, tập đoàn đã thành công hợp tác với nhiều ngân hàng trong và ngoài nước để ký kết hợp tác tài trợ vốn, ghi nhận khoản vay ngân hàng và thuê tài chính ngắn hạn 3.744 tỷ đồng, tăng nhẹ 5%. Vốn chủ sở hữu đạt gần 3.153 tỷ đồng, chiếm 36% tổng nguồn vốn, tăng 4% so với đầu kỳ. Hàng tồn kho ở mức 2.109 tỷ đồng, giảm 10% so với ghi nhận trước đó; lãi gộp tăng 9,5%.
Lợi nhuận trước thuế đạt 558 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ, giúp tập đoàn đạt lợi nhuận sau 412 tỷ đồng, hoàn thành cam kết với cổ đông và tiếp tục thực hiện sứ mệnh “Cùng nông dân phát triển bền vững”.
Mảng Nông sản (LTA) có sự bứt phá rõ rệt nhất khi doanh thu ngành đứng thứ nhất trong tổng cơ cấu, đạt 6.430 tỷ đồng (chiếm hơn 55%). LTA đã liên tục đàm phán, triển khai ký kết và thực hiện nhiều thoả thuận cung ứng lúa, gạo số lượng lớn và dài hạn phục vụ cho các đơn hàng trong nước và quốc tế, đặc biệt là các đơn hàng cung ứng xuất khẩu tới những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật,…
Tháng 9/2022, LTA cũng ghi nhận thành tích ấn tượng khi thương hiệu Cơm ViệtNam Rice - thương hiệu gạo Việt Nam đầu tiên tại châu Âu – được ra mắt người tiêu dùng tại hệ thống 2 đại siêu thị lớn nhất của nước Pháp là Leclerc và Carrefour.
Ngành Vật tư nông nghiệp (LTV) tiếp tục giữ vai trò trụ cột, động cơ chính của toàn tập đoàn. Không chỉ mang lại doanh thu đáng kể (4.393 tỷ đồng, chiếm 37% tổng doanh thu) và giữ vị thế dẫn đầu thị trường vật tư nông nghiệp.
Ngành Giống cây trồng (LTS), bên cạnh việc tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về cung ứng sản phẩm hạt giống chất lượng và duy trì, mở rộng thị phần cung ứng giống lúa, giống rau màu tại Đồng bằng Sông Cửu Long, LTS mở rộng kinh doanh sang mảng cây giống thông qua việc nhận nhượng quyền sản xuất, kinh doanh giống xoài Cát Lộc (LĐ12) từ Viện Cây ăn quả miền Nam.
Lĩnh vực Dịch vụ nông nghiệp (LTF) tiếp tục là cầu nối vững chắc giữa tập đoàn và các Liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã (HTX) và bà con nông dân thực hiện các mô hình tổ chức sản xuất lớn, đồng bộ cơ giới hóa đảm bảo bao tiêu đầu ra như mô hình: Lộc Trời 123, Mặt ruộng không dấu chân,…
Năm 2023, ban lãnh đạo tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng; chia cổ tức năm 2022 ở mức 25%. Tập đoàn định hướng đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2024, đạt 1 triệu ha đất canh tác theo mô hình sản xuất Lộc Trời 123 – sản xuất quy mô lớn và cơ giới hoá đồng bộ, giảm 1 triệu lít hoá chất rải xuống đồng ruộng.
Công ty khuyến khích ban điều hành khi đưa ra mức thưởng 10% của mức chênh lệch lợi nhuận sau thuế nếu tăng trưởng lợi nhuận dưới 10%, thưởng 15% phần chênh lệch nếu tăng trưởng lợi nhuận 10-20% và thưởng 20% nếu tăng trưởng lợi nhuận từ 20% trở lên.
Tập đoàn cũng quyết định thành lập Quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân và nhân viên, để hỗ trợ cho nông dân và nhân viên trong trường hợp xảy ra thiên tai trên trên diện rộng. Quỹ còn được sử dụng để bảo lãnh cho công ty trong trường hợp mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Nhu cầu gạo của thế giới duy trì ở mức cao
Với khoản lãi hơn 410 tỷ năm 2022, LTG là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh xếp sau tập đoàn PAN, với doanh thu 13.655 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của PAN ghi nhận 794 tỷ đồng, tăng 55% so với thực hiện trong năm trước và vượt 5% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.
Trong khi đó, doanh nghiệp trong ngành khác là Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) dù ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 hơn 3.798 tỷ đồng, tăng gần 22% so với năm 2021 nhưng chi phí tăng cao khiến lãi sau thuế cả năm giảm gần 28% xuống còn 70 tỷ đồng và mới chỉ hoàn thành được 63,6% kế hoạch lợi nhuận.
Doanh nghiệp khác là Xuất Nhập khẩu An Giang (AGM) ghi nhận lỗ sau thuế 139 tỷ đồng, là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.
Theo báo cáo triển vọng ngành gạo của VNDirect (VND), năm 2023, nhu cầu gạo thế giới sẽ duy trì ở mức cao do những bất ổn về chính trị và kinh tế cùng với xung đột chưa được giải quyết giữa Nga và Ukraine, đẩy nhu cầu dự trữ gạo lên cao. Ngoài ra, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng đến nguồn cung gạo tại nhiều quốc gia, đặc biệt như Philippines (bão lũ) hay Trung Quốc (hạn hán).
VND cho rằng, giá xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 do 1) nhu cầu dự trữ lương thực ở nhiều quốc gia tăng, 2) Ấn Độ chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hay bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng trong năm 2023 khi họ vẫn đang nỗ lực kiềm chế đà tăng giá gạo trong nước, 3) Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu, và 4) nhiều vùng trồng lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác có lợi hơn, điều này có thể dẫn đến giảm sản lượng gạo trong năm 2023.