Chiều ngày 25/4, CTCP Chứng khoán TP.HCM - HSC (mã HCM) tiến hành Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm tài chính 2022. Với giả thiết thận trọng về giao dịch thị trường, công ty đưa ra kế hoạch doanh thu, lợi nhuận điều chỉnh giảm so với 2022.
Dựa vào giá trị giao dịch bình quân ngày của thị trường trong năm 2022, giá trị giao dịch thực tế quý 1/2023 và nhận định xu hướng thị trường trong năm 2023, HSC đưa ra các giả thiết chính về giao dịch của thị trường trong năm 2023. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân đạt 9.000 tỷ/phiên, giảm 55% so với 2022. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài lần lượt giảm 58% và 39%.
Theo đó, HSC đặt mục tiêu doanh thu 2023 là 2.338 tỷ, giảm 18% so với 2022; lợi nhuận trước thuế 901 tỷ, giảm 16%.
Mảng dịch vụ môi giới, cho vay ký quỹ và hoạt động tự doanh được dự báo sẽ đóng góp chủ yếu vào doanh thu năm 2023, lần lượt góp 497 tỷ, 962 tỷ và 650 tỷ.
Đáng chú ý, lãnh đạo công ty cho biết đã và đang có sự chuẩn bị tốt, cả về đội ngũ nhân sự và danh mục các thương vụ tư vấn, để có thể tận dụng được cơ hội từ sự dần ổn định của thị trường 2023. Trên cơ sở danh mục các thương vụ hiện có, mảng hoạt động tư vấn tài chính dự kiến đạt doanh thu 218 tỷ, tăng 305%.
Ông Trịnh Hoài Giang, CEO HSC cho biết, giả định về thị trường, công ty đưa ra quan điểm không nôn nóng về thị trường bật tăng lại.
“Chúng tôi nhìn nhận không có lạc quan sớm, nghĩa về dài hạn vẫn tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ là điểm đến của nhà đầu tư, tuy nhiên ngắn hạn, với phân tích kỹ lưỡng, HSC đưa ra một số nhận định.
Một, không thấy khả năng khủng hoảng thị trường tài chính nhưng nền kinh tế khó tăng trưởng sớm trở lại. Vì hai yếu tố phải xem xét là nền kinh tế toàn cầu đặc biệt là Mỹ chưa lạc quan vì lãi suất cao; trong nước, tập trung triển khai đầu tư công nhưng tốc độ chưa giúp cho hoạt động kinh tế phục hồi sớm. Tất cả vấn đề này sẽ đẩy vào tương lai”, ông Giang nêu.
Theo vị này, HSC nhận định VN-Index dần về cuối năm đi ngang hoặc thấp hơn hiện nay và đánh giá hiện là giai đoạn có thể tìm kiếm những đầu tư mang tính lâu dài. Ông Giang cho rằng, hiện không thể trở lại thời kỳ như 2021 do tổng cầu nền kinh tế quá yếu. Trên thế giới rủi ro suy thoái kinh tế rất cao vì lãi suất cao.
“Trên thị trường đây không phải thời gian tốt làm các thương vụ IPO, niêm yết nhưng thương vụ M&A, các nhà đầu tư mua lô lớn thì vẫn là thời gian thị trường này hoạt động cực mạnh, đặc biệt nhà đầu tư họ tìm kiếm cơ hội đầu tư mua doanh nghiệp Việt tại thời điểm giá rẻ, mua vài % hay mua kiểm soát. Dựa trên những gì có được trong tay, 2023 công ty có doanh thu tốt mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp”, CEO HSC cho biết.
Đề cập tới thị phần môi giới, lãnh đạo HSC cho biết hiện ở mức 6%, giảm so với mức hơn 10% vài năm trước. Lý giải điều này, lãnh đạo công ty cho biết lúc thị trường bùng nổ HSC bị chậm trễ trong vấn đề tăng vốn. Thêm vào đó là cơ cấu giao dịch thị trường thay đổi khi dòng ETF nổi lên, những công ty chứng khoán mới đặc biệt là từ Hàn Quốc giao dịch mạnh ở ETF.
“HSC vẫn kiên định như hiện nay, làm chi phí cạnh tranh nhưng không phải cạnh tranh công ty dẫn đầu thị trường về phí, phí phải hợp lý. Công ty chú trọng vào giá trị, chất lượng tư vấn. Chúng tôi thấy khách hàng đến và ở lại vì chất lượng tư vấn, tập trung khách hàng lớn”, ông Giang chia sẻ.
Ông Giang thông tin năm 2022 cả thị trường mở mới 2 triệu tài khoản, HSC chiếm dưới 1%, trong đó 90% tài khoản mở mới tại HSC là tài khoản hoạt động, 30% tài khoản có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên. Từ đầu năm tới nay, mở mới tài khoản giảm mạnh, công ty duy trì mức trên dưới 1% tổng tài khoản mở mới trên thị trường. Hiện HSC quản lý hơn 100.000 tài khoản, phần lớn có giá trị tài sản cao.
Hàng trăm văn bản, mất 2 năm để tăng vốn
Vấn đề chậm trễ tăng vốn, như đề cập ở trên là một trong các nguyên do khiến HSC bị giành giật thị phần trong giai đoạn thị trường bùng nổ. Đây cũng là điều mà nhiều cổ đông đặt câu hỏi với lãnh đạo công ty.
Theo đó, ông Johan Nyvene, Chủ tịch HĐQT HSC cho biết, một trong những thành tựu trong 2022 là hoàn tất tăng vốn, đã được ĐHCĐ thông qua từ đầu 2021.
“Sau đó, ĐHCĐ 2022 đã thông qua việc tăng vốn kế tiếp thêm hơn 2.000 tỷ, qua phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1. Dù đã được thông qua vào tháng 8/2022 nhưng công ty vẫn phải đợi kết quả tăng vốn trước đó từ đầu 2021 hoàn tất. Mất hàng trăm văn bản qua lại giữa HSC và các cơ quan liên quan, cơ quan chủ quản Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM - HFIC. Mất 2 năm để thông qua một đợt tăng vốn”, Chủ tịch HSC phân trần.
Lãnh đạo công ty nêu, Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) đã thực hiện cả việc xin ý kiến HFIC cho việc phát hành, đồng thời hỏi trực tiếp UBND TP.HCM, là cơ quan chủ quản HFIC. HSC vẫn chờ câu trả lời từ UBND TP để UBCK hỗ trợ công ty trong việc hoàn thành tăng vốn.
Đề cập tới việc thoái vốn của cổ đông HFIC, đại diện tổ chức này cho biết chủ trương thoái vốn của HFIC tại HSC là có. Điều này theo quy định pháp luật, không liên quan tiềm năng phát triển công ty.
Về lộ trình thoái vốn, theo quy định, phải được UBND TP.HCM phê duyệt đề án tái cơ cấu, hiện đang khẩn trương trình đề án, dự kiến trong 2024 được phê duyệt. Nguyên tắc HFIC thoái toàn bộ vốn, nhưng sẽ có phân kỳ để đảm bảo hiệu quả, dự kiến từ đây tới 2025 thực hiện, căn cứ thị trường, đảm bảo lợi ích cho công ty.