Định vị thị trường
Trạng thái đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ trở nên nguy hiểm khi xuất hiện các biến số mới gây ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, tác động từ thị trường chứng khoán thế giới lúc này lại gần như chưa có chiều hướng xấu, thậm chí vẫn đang có chiều hướng thuận lợi.
S&P 500 sau 2 phiên giảm liên tiếp lại về đúng nền hỗ trợ cũ nằm tại 4.100 điểm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản - nơi vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng vẫn neo sát vùng đỉnh thời đại vừa được thiết lập ở phiên đầu tuần. Phiên hôm nay, chỉ số NIKKEI 225 tăng 0,39%.
Chất xúc tác
Như vậy, rõ ràng việc nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn đang phát huy với thị trường Nhật Bản. Và thực tế, đây cũng là câu chuyện đã xảy ra với hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới trong giai đoạn bùng nổ vừa qua.
Với đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua, Việt Nam đã có tổng cộng 3 đợt hành động khá mạnh tay. Có thể có độ trễ về hiệu quả nhưng với những kết quả trong quá khứ và câu chuyện tại Nhật Bản thì thị trường chứng khoán và nền kinh tế nói chung vẫn được kỳ vọng tích cực.
Chướng ngại trong ngắn hạn ảnh hưởng tới việc phản ứng nhanh của dòng tiền nội đang là khối ngoại. Tính cả phiên hôm nay, khối ngoại đã có 4 phiên liên tiếp bán ròng với cường độ trên 300 tỷ đồng. Tổng cộng đã khoảng 2.000 tỷ đồng bị rút ra khỏi sàn trong 4 phiên này. Những gương mặt bị bán ròng nhiều nhất là những cổ phiếu trong VN30 như HPG, VPB, CTG, STB.
Vận động nhóm ngành
Với trở ngại trên, VN30 đã không có sự đột phá nào. Thực tế, chính chỉ số này còn phải chứng kiến sự phân hóa khá mạnh với 12 mã tăng so với 15 mã giảm và 3 mã đứng giá tham chiếu.
Nếu nhìn vào độ rộng này, thực tế, đây là những tín hiệu khởi sắc bởi các mã GVR (+4%), GAS (+2,4%), FPT (+2,3%), VNM (+1,2%) đã có dấu hiệu vượt qua trở ngại tâm lý sớm hơn phần còn lại. VNM và GAS là những cổ phiếu đã thể hiện sức mạnh kịp thời vào đầu phiên chiều để kéo thị trường chung trở lại với sắc xanh.
Việc các mã như STB (-1,5%), CTG (-0,5%), VPB (-1%), HPG (-0,5%) giảm giá là có thể hiểu được khi phải nhận các lệnh bán ra từ khối ngoại. Tuy nhiên, khi áp lực bán ra không còn, đây có thể là nhóm sẽ trợ giúp đáng kể cho thị trường chung.
Xét trên độ rộng chung của toàn thị trường, sắc xanh không quá lép vế. Tổng cộng, có 39,5% mã tăng so với 49,54% mã giảm giá. Nhóm Khu công nghiệp đã có nhiều vận động tích cực sau khi có thông tin UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định về việc cho phép CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) thuê đất (đợt 1) để thực hiện dự án Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn II) tại phường Hội Nghĩa, Uyên Hưng, TP Tân Uyên.
Bản thân NTC trên UPCoM đã tăng trên 15% trong khi các cổ phiếu cùng ngành như GVR, PHR (+5,4%), SZC (+2,84%) đều có kết quả giao dịch tích cực.
Nhóm cổ phiếu Dầu khí cũng nối lại những tín hiệu tích cực với PVD (+2,35%), PVT (+1,69%), GAS (+2,4%) và các mã trên HNX và UPCoM như PVS (+3,1%), PVC (+4%).
Ngoài ra cũng có một số trường hợp như BMP (+5,5%), VOS (+3,1%), PAN (+2,26%), VOS (+3,1%), SJS (+6,99%) có vận động tốt nhưng chưa tạo được hiệu ứng nhóm ngành.
Chốt phiên, VN-Index tăng 0,27% lên 1.064,63 điểm. Thanh khoản sàn đạt 669,53 triệu đơn vị, tương đương 11.703 tỷ đồng. Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index vận động trái chiều, tăng 0,38% và giảm 0,27%. Tổng giá trị 2 sàn đạt hơn 2.300 tỷ đồng.