Nhận định về diễn biến chỉ số VN-Index tuần tới, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDIRECT cho biết, VNDIRECT kỳ vọng thị trường có thể chứng kiến nhịp phục hồi kỹ thuật trong tuần tới nhờ (1) định giá rẻ kích thích dòng tiền bắt đáy và (2) thị trường được hỗ trợ bởi thông tin KQKD Quý III của các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu được công bố. Chỉ số VN-Index có thể hướng tới vùng 1.140 - 1.180 điểm.
Tuy vậy, ông Hinh cho rằng nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng cao trong tuần giao dịch tới do rủi ro thị trường vẫn đang ở mức cao và dòng tiền trên thị trường vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc đáng kể. Do đó, nhà đầu tư nên hạn chế việc mua đuổi ở mức giá cao, hạn chế sử dụng đòn bẩy và duy trì tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải (chiếm khoảng 50-70% danh mục).
Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng những phiên tăng điểm để hạ dần tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu đầu cơ, beta cao.
Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu thấp có thể xem xét giải ngân thăm dò tại những cổ phiếu có mức chiết khấu hấp dẫn (margin of safety) cao với định giá P/B thấp, tỷ lệ tiền và tương đương tiền trên tổng tài sản cao, nợ vay thấp và có mức chi trả cổ tức tiền mặt cao.
Trong tuần vừa qua, mặc dù các chỉ số kinh tế vĩ mô tương đối tích cực như GDP quý 3/2022 tăng trưởng vượt dự báo đạt 13,67% và thu ngân sách 9 tháng gần đạt mục tiêu cả năm 2022 nhưng chỉ số VN-Index lại lao dốc mạnh. Sự ảm đạm của thị trường chứng khoán đến từ sự suy yếu của dòng tiền đầu tư vào các kênh tài sản rủi ro trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh sau động thái nâng lãi suất điều hành của ngân hàng nhà nước và khối ngoại đẩy mạnh bán ròng.
Theo đó, chỉ số VN-Index giảm mạnh 4 phiên giao dịch đầu tuần và có thời điểm lùi xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm trong phiên ngày thứ 6 trước khi lực cầu bắt đáy gia tăng kéo chỉ số VN-Index hồi phục trong phiên chiều thứ 6, chốt tuần tại 1.132,1 điểm (-5,9% so với cuối tuần trước).
Lực cầu bắt đáy gia tăng khi các chỉ số chứng khoán giảm điểm mạnh kéo thanh khoản thị trường phục hồi trong tuần qua với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn tăng 10,8% so với tuần trước lên mức 15.586 tỷ đồng/phiên.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giảm mạnh trong tuần qua, trong đó trọng tâm của đà giảm giá là các cổ phiếu đến từ nhóm ngành ngân hàng và bất động sản.
Sau khi một loạt các ngân hàng công bố tăng lãi suất huy động, thị trường lo ngại chi phí huy động tăng cao có thể kéo biên lợi nhuận của các ngân hàng suy giảm do mặt bằng lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại khó có thể tăng tương ứng. Vì vậy, nhiều cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh sâu trong tuần qua như CTG (-7,2%), VPB (-6,1%) và MSB (-5,7%).
Bên cạnh đó, lãi suất tăng lên tác động tiêu cực tới triển vọng nhóm ngành bất động sản do áp lực chi phí lãi vay, chi phí tài chính gia tăng và lo ngại đà tăng của lãi suất có thể ảnh hưởng tới nhu cầu của người mua nhà. Do đó, nhiều cổ phiếu bất động sản giảm mạnh trong tuần vừa qua như VHM (-11,4%), DXG (-18,2%) và KDH (-10,4%).