Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tháng suy giảm mạnh. Các chỉ số trên ba sàn có khoảng một tuần giảm điểm liên tiếp với mức độ mạnh.
Diễn biến này, đi cùng với giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài được cập nhật tại phiên họp ngày 30/9 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Nội dung chính trình bày tại phiên họp tập trung ở diễn biến thu ngân sách, song diễn biến trên thị trường chứng khoán nói trên cũng được ông Võ Thành Hưng – Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu ra.
Sáng 30/9, khi phiên họp trên đang diễn ra, chứng khoán Việt Nam đang tiếp tục có đà giảm mạnh sau phiên “quay xe” đi xuống cực mạnh liền trước đó, Thứ trưởng Hưng điểm lại: Thị trường chứng khoán trong tháng 9 có nhiều phiên giảm điểm, giảm 9% so với cuối thang 8 và giảm hơn 22% so với 2021. Ông Hưng cho rằng diễn biến này cũng phù hợp diễn biến thị trường các nước trên thế giới.
Chiều 30/9, một lần nữa thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy khả năng thay đổi cục diện trong phiên một cách chóng vánh và choáng ngợp. VN-Index từ giảm quanh 25 điểm, xuyên thủng cả mốc 1.100 điểm - mức điểm thấp nhất kể từ phiên ngày 8/2/2021, nhưng chỉ khoảng 30 phút trước đợt khớp lệnh đóng cửa đã đột ngột đảo chiều tăng điểm…
Dù có cú đảo chiều đầy bất ngờ và chóng vánh như vậy, chứng khoán Việt Nam vẫn khép lại một tháng suy giảm mạnh. Trong đó khối đầu tư nước ngoài có đà bán ròng đáng chú ý.
Cũng trong phiên 30/9, nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng nhẹ 165 tỷ đồng, tạm dừng chuỗi 7 phiên bán ròng khá mạnh trước đó.
Trở lại cuộc họp trên của Ủy ban Kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nêu rằng có ý kiến quan ngại về việc quỹ ngoại gần đây bán ra liên tục. Nhưng theo ông Hưng, theo dõi 9 tháng đầu năm vốn ngoại đang bán ròng khoảng 800 tỷ đồng, so với danh mục các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ khoảng 47-48 tỷ USD thì không đáng kể.
“Quan trọng hơn, họ bán ròng nhưng không rút tiền ra khỏi Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Ông Hưng cho biết thêm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi biến động thị trường hiện nay để có chỉ đạo, điều hành kịp thời.
Liên quan đến thị trường chứng khoán, ở khía cạnh tạo hàng cho thị trường, Thứ trưởng Hưng cho biết tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn chậm trong 9 tháng đầu năm.
Nhiều lý do đưa ra như quy mô doanh nghiệp thoái vốn, cơ cấu lại lớn; do COVID-19 kéo dài vừa qua; chính sách, cơ chế chưa hoàn thiện, nhưng chủ yếu do tổ chức thực hiện sắp xếp giá trị nhà đất phản ánh vào giá trị doanh nghiệp. Cùng đó, xây dựng phương án cổ phần hóa chưa hấp dẫn, đã lên phương án cổ phần hóa, bán ra thị trường, nhưng kết quả một số doanh nghiệp ko bán được, hoặc bán không hết.
Ngoài ra, trong quyết toán giá trị có nhiều dự án dở dang kéo dài, thua lỗ… khi tổng hợp giá trị này vào giá trị doanh nghiệp để quyết toán thì đang điều tra, kiểm toán nên ko làm được.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, quyết tâm cổ phần hóa từ lãnh đạo cấp cao tới địa phương có lúc chùng xuống; ví như TP.HCM từ năm 2017 đến nay phải cổ phần hóa 36 doanh nghiệp, nhưng tới nay chưa làm được doanh nghiệp nào.