Giá dầu rơi xuống ngưỡng thấp nhất của năm nay trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu như vậy để mất toàn bộ thành quả tăng tính từ khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong tháng 3/2022, giá của loại hàng hóa được giao dịch nhiều nhất thế giới tăng lên gần 140USD/thùng, gần sát ngưỡng cao kỷ lục chưa từng thấy sau khi căng thẳng Nga – Ukraine thực sự leo thang.
Tuy nhiên trong những tháng cuối của năm, giá dầu không ngừng giảm, các chuyên gia kinh tế đang dự báo nhiều hơn về khả năng tăng trưởng kinh tế suy giảm do giá năng lượng cao. Việc sụt giảm của giá dầu trong phiên ngày thứ Tư có nguyên nhân trực tiếp từ việc dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng cao.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai trên thị trường London giảm 2,18USD/thùng tương đương 2,8% xuống 77,17USD/thùng, thấp hơn ngưỡng đóng cửa của năm trước là 78,98USD/thùng. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai giảm 2,24USD/thùng, như vậy giá dầu suy yếu hơn nữa so với mức đóng cửa vào phiên giao dịch ngày thứ Ba vốn là mức thấp của năm.
Đáng chú ý, việc suy giảm của giá dầu trong thời gian gần đây diễn ra trong một bối cảnh mà lẽ ra rất thuận lợi cho đà tăng của giá dầu. Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã đưa ra nhiều thay đổi lớn nhất với chính sách không COVID-19 tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Trong tháng 11/2022, lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng 12% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao nhất trong 10 tháng, theo dữ liệu công bố mới nhất.
Chính phủ các nước G7 đã khởi động việc áp dụng hạn chế giá cả nhằm hạn chế xuất khẩu dầu của Nga, sản lượng dầu của Nga vì vậy có thể giảm trong năm tới.
Dự trữ xăng dầu của Mỹ tăng 6,2 triệu thùng trong tuần gần nhất, cao hơn rất nhiều so với dự báo 2,2 triệu thùng của các chuyên gia, theo công bố của Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (IEA). Dự trữ xăng của Mỹ tăng 5,3 triệu thùng so với kỳ vọng 2,7 triệu thùng.
Việc dự trữ nhiên liệu tăng cao thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nhiều hơn so với việc dự trữ dầu thô giảm 5,2 triệu thùng. Viện Xăng dầu Mỹ công bố dự trữ dầu thô giảm 6,4 triệu thùng, theo tính toán của các nguồn tin.
Trong khi đó, khoảng 20 tàu chở dầu xếp hàng bên ngoài bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang không thể đi được bởi các nhà vận hành tàu buộc phải tuân thủ quy định mới về bảo hiểm mà Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ sau khi G7 chính thức áp biện pháp hạn chế với dầu Nga. Theo báo Vedomosti, Nga hiện đang tính đến một số lựa chọn trong đó có bao gồm việc cấm bán dầu cho một số nước nhằm ứng phó với quy định áp trần giá dầu mà các nước phương Tây đưa ra.
“Hiện đang có quá nhiều bất ổn trên thị trường”, phó chủ tịch tại quỹ Rystad Energy, ông Claudio Galimberti, cho biết. Cũng theo ông Galimberti, sản xuất dầu của Nga có thể không giảm nhiều như kỳ vọng trước đó.
Thị trường dầu dù vậy vẫn quan tâm đến cảnh báo của các chuyên gia kinh tế về khả năng suy thoái trong năm sau. Thông tin từ Trung Quốc hiện tại cũng đang có lợi cho giá dầu.
Vào ngày thứ Tư, giới chức Trung Quốc thông báo nới lỏng chính sách không COVID-19 trong động thái đánh dấu cho thay đổi bước ngoặt sau khi áp dụng chính sách phong tỏa ngặt nghèo ngăn COVID-19 trong thời gian quá lâu gây ra tâm lý căng thẳng trong dân chúng.
Những người không có triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ về hô hấp, giờ đây sẽ được phép cách ly tại nhà chứ không bị buộc phải vào các cơ sở cách ly của chính phủ. Cùng lúc đó, việc xét nghiệm PCR trên quy mô lớn, biện pháp phổ biến trong chính sách chống dịch của Trung Quốc, sẽ bị loại bỏ.
“Bất kỳ hình thức kiểm soát đi lại nào sẽ không được áp dụng nữa”, tuyên bố mới nhất của chính phủ Trung Quốc cho hay. Đồng thời tuyên bố cũng cho hay rằng biện pháp xét nghiệm PCR sẽ chỉ được áp dụng với các khu vực nhà dưỡng lão, bệnh viện và trường học.
Trong cuộc họp báo vào chiều ngày thứ Tư, dự kiến sẽ có một số động thái bổ sung được công bố trong đó có việc tăng cường tỷ lệ tiêm vaccine đặc biệt trong nhóm người cao tuổi chưa tiêm vaccine, thực tế này là một trong những yếu tố cản trở việc Trung Quốc chấm dứt chính sách chống dịch hà khắc nhất thế giới.
Gần đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm, đồng nhân dân tệ tăng vọt lên ngưỡng cao mới khi mà giới chức Trung Quốc đang hướng nhiều hơn đến khả năng mở cửa nền kinh tế, nhiều nhà đầu tư trở nên lạc quan.
Đồng nhân dân tệ tăng vượt ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD, còn chỉ số cổ phiếu công nghệ Trung Quốc tại Hồng Kông tăng đến 8,6%. Trái phiếu bằng đồng USD của các doanh nghiệp bất động sản đồng thời tăng khi mà chính quyền thành phố Thượng Hải và Hàng Châu đồng thời tiếp bước các thành phố khác trong việc nới lỏng chính sách không COVID-19.