Báo cáo tài chính quý II/2024 của Thế Giới Di Động (mã MWG) tiếp tục tiết lộ hoạt động kinh doanh của chuỗi điện máy của MWG tại Indonesia, thị trường được Thế Giới Di Động kỳ vọng rất lớn.
Theo đó, Thế Giới Di Động ghi nhận khoản lỗ 26,7 tỷ đồng trong quý II từ công ty liên doanh PT Era Blu Elektronik (EraBlue), qua đó nâng tổng số lỗ từ đầu năm lên 47,2 tỷ đồng. Tại liên doanh này, MWG nắm 45% cổ phần. Như vậy, EraBlue lỗ khoảng 105 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024
Giá trị hợp lý của khoản đầu tư này tính đến thời điểm ngày 30/6/2024 còn khoảng hơn 239,5 tỷ đồng.
Việc EraBlue vẫn lỗ khiến không ít cổ đông MWG "mừng hụt" khi cách đây không lâu lãnh đạo công ty từng "úp mở" về hoạt động kinh doanh của chuỗi điện máy này. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT MWG từng chia sẻ trên Facebook cá nhân: "Chúng tôi có mặt ở đây để chúc mừng cho EraBlue tháng thứ 3 liên tiếp "mang tiền về cho mẹ" và chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng từ 60 cửa hàng lên 500 cửa hàng vào 2027". Theo đó, nhiều cổ đông kỳ vọng "mang tiền về cho mẹ" mang ý nghĩa về việc có lãi cấp độ hệ thống.
Mặc dù chưa hoà vốn nhưng chuỗi điện máy tại Indonesia đang thắp lên nhiều hi vọng cho hoạt động của MWG và các lãnh đạo MWG cũng rất tự tin với chuỗi điện máy ở thị trường đông dân gấp gần 3 lần Việt Nam.
Tại cuộc họp nhà đầu tư vừa diễn ra đầu tháng 5/2024, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết, dự kiến tới quý IV năm nay EraBlue sẽ đạt được điểm hòa vốn và có lãi.
Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài cũng khẳng định thêm, EraBlue đang vượt trên mong đợi của bản thân và kỳ vọng chậm nhất trong quý IV/2024 chuỗi sẽ đạt được điểm hòa vốn. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của chuỗi điện máy này trong năm 2024.
Chuỗi EraBlue là thử nghiệm mới của MWG từ cuối năm 2022, liên doanh với Công ty PT Erafone Artha Retailindo (Erafone) - công ty con của Tập đoàn Erajaya và MWG nắm giữ 45% cổ phần. EraBlue được xây dựng theo dạng chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ các thiết bị điện tử tiêu dùng tại Indonesia giống như mô hình Điện Máy Xanh tại Việt Nam.
Tính đến hết quý II/2024, EraBlue có 61 cửa hàng, tăng 6 cửa hàng so với cuối quý I/2024.
Dư địa tăng trưởng của EraBlue còn tương đối rộng khi ban lãnh đạo MWG nhìn nhận cơ hội ở thị trường Indonesia là rất lớn, quy mô gấp 2-3 lần Việt Nam song mảng bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng vẫn còn ở những bước sơ khai, phần lớn thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống, trong khi hai hệ thống lớn nhất chiếm chưa tới 200 cửa hàng.
Trong năm 2024, EraBlue vẫn có kế hoạch mở rộng nhưng không vượt quá 100 cửa hàng. Sang năm tới, chuỗi này có thể bắt đầu tăng tốc cho việc mở rộng hướng đến mục tiêu có 500 cửa hàng vào năm 2027.
Trở lại kết quả kinh doanh của MWG, 6 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 65.621 tỷ đồng, tăng 16% so với bán niên 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỷ đồng, gấp 53,6 lần cùng kỳ.
Năm 2024, MWG đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần thực hiện 2023. Như vậy, sau nửa đầu năm, “ông lớn” bán lẻ này đã thực hiện được gần 52,5% kế hoạch doanh thu và 86,5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Chuỗi Điện máy Xanh (ĐMX) vẫn đóng góp tỷ trọng lớn nhất, chiếm 46,9%, tiếp đến là Bách Hóa Xanh (BHX) đóng góp 29,7%, Thế Giới Di Động đã bao gồm TopZone (TGDĐ) đóng góp 20,6%.
Với chuỗi BHX, lũy kế 6 tháng đầu năm doanh thu đạt 19.400 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 6, chuỗi bán lẻ này thu về 3.600 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 5% so với tháng 5 liền trước với đà tăng từ cả 2 ngành hàng chính gồm: hàng tươi sống và FMCGs.
Đặc biệt trong tháng 6 vừa qua, doanh thu bình quân của BHX thiết lập ngưỡng kỷ lục 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Với con số này, chuỗi bách hóa của MWG đã bắt đầu “mang tiền về” cho công ty mẹ.
Theo đó, tại phần thuyết minh báo cáo tài chính quý II/2024, khoản lỗ thuế của BHX phát sinh trong năm 2024 ghi nhận tại thời điểm ngày 30/6/2024 là hơn 98 tỷ đồng, giảm khoảng 7 tỷ đồng so với con số hơn 105 tỷ đồng ghi nhận trên báo cáo tài chính quý I/2024.