Theo đó, tại phiên trả lời chất vấn trên, đại biểu HĐND TP.Hà Nội đã chất vấn về việc dự án đường trục phía Nam Hà Tây chậm tiến độ và yêu cầu Thành phố cho biết bao giờ tiếp tục thi công để kết nối với đường Vành đai 4 đang triển khai.
Trả lời chất vấn trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, dự án đường trục phía Nam Hà Tây còn lại 19km thuộc giai đoạn 2. Hiện, dự án còn một số tồn tại, vướng mắc giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp về thống nhất phân chia số tiền nộp.
Để tháo gỡ khó khăn, UBND TP đã chỉ đạo ứng 200 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng. Ngày 27/6/2022, Thành phố đã họp và chỉ đạo Thanh tra Thành phố rà soát toàn bộ dự án. Hiện nay, đang xin ý kiến các bên liên quan, dựa trên kết quả đó, sẽ thống nhất điều chỉnh chủ trương dự án.
Đáng chú ý, tại phiên chất vấn trên, phát biểu làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, sau khi UBND Thành phố giao Thanh tra Thành phố tiến hành thanh tra tổng thể dự án, UBND Thành phố đã có văn bản yêu cầu, trước ngày 30/11/2022, chủ đầu tư và doanh nghiệp liên quan phải có phương án giải quyết vướng mắc và cam kết tiến độ dự án, nếu không thống nhất được UBND Thành phố sẽ thu hồi, chuyển sang đầu tư công để đảm bảo lợi ích của nhà nước và người dân.
Đến nay, chủ đầu tư và doanh nghiệp đã đạt được thỏa thuận, chứng minh năng lực tài chính và cam kết tiến độ hoàn thành dự án trước năm 2025. UBND Thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư ký quỹ để triển khai dự án đúng tiến độ. Như vậy, dự án này sẽ tiếp tục được triển khai theo hình thức đầu tư BT.
Liên quan đến dự án này, trước phiên chất vấn này diễn ra, UBND TP.Hà Nội đã trả lời cử tri quận Hà Đông về đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng 5 tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông theo hình thức BT để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an sinh cho người dân, trong đó có đường 19/5 tại phường Văn Quán.
Theo UBND TP.Hà Nội, dự án xây dựng các tuyến đường đấu nối hạ tầng khu đô thị, khu dân cư quận Hà Đông được phê duyệt từ tháng 3/2017, ký kết hợp đồng BT vào tháng 6/2018 với tổng mức đầu tư 1.961 tỷ đồng, giá trị dự án 1.635 tỷ đồng, thời gian hoàn thành quý 4/2019.
Tại dự án này, nhà đầu tư được thu hồi vốn thông qua quỹ đất thực hiện dự án khác tại 6 khu đất với tổng diện tích hơn 70 ha. Sau khi hợp đồng BT được ký kết, đến tháng 7/2018, Bộ Tài chính đã yêu cầu tạm dừng việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT. Tháng 12/2018, Chính phủ yêu cầu rà soát nội dung hợp đồng dự án.
Ngày 20/8/2019, UBND TP.Hà Nội đã có Văn bản số 276/UBND-ĐT chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện 4 dự án BT đang triển khai, trong đó có các dự án ở Hà Đông.
Tiếp theo, ngày 28/3/2019, Thành uỷ Hà Nội cũng đã yêu cầu rà soát 4 dự án nêu trên để đánh giá lại kinh phí đầu tư của từng dự án và giá trị quỹ đất đảm bảo đúng quy định.
Ngày 20/7/2021, Văn phòng UBND TP có Thông báo số 449/TB-VP về kết luận của lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp nghe báo cáo, rà soát về dự án và giao các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, củng cố toàn bộ hồ sơ liên quan như hồ sơ pháp lý, nội dung hợp đồng BT đã ký đối chiếu với các quy định, phụ lục điều chỉnh hợp đồng,...
“Ngày 20/12/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư bổ sung hoàn thiện hồ sơ dự án để tổng hợp, báo cáo thành phố chỉ đạo triển khai, tuy nhiên đến nay nhà đầu tư chưa hoàn thành việc rà soát cập nhật các nội dung theo hướng dẫn”, UBND TP.Hà Nội cho biết.
Theo tìm hiểu, dự án xây dựng các tuyến đường kết nối các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông theo hình thức hợp đồng BT do Liên danh CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán: VPI) và CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán: HPX) đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo đó, sẽ xây dựng đồng bộ 5 tuyến đường (tuyến 2, 3, 4, 6, 7) với tổng chiều dài khoảng 6,2 km, mặt cắt ngang 17 - 40 m, thuộc địa bàn các phường Văn Quán, Phúc La, Kiến Hưng, Phú Lãm, Phú Lương, Dương Nội (quận Hà Đông) và 2 xã Đông La, La Phù (huyện Hoài Đức).
Cả 5 tuyến đường đều đã được duyệt chỉ giới đường đỏ, tiêu chuẩn thiết kế là đường đô thị với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ về thoát nước, cây xanh, chiếu sáng và tổ chức giao thông.