Sau quý 1 khá ảm đạm, từ đầu tháng 4 đến nay, các chuỗi bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh bắt đầu lao vào cuộc đua kích cầu bằng việc cắt giá bán, gây sức ép cho toàn bộ chuỗi phân phối khác. Tuy nhiên, do sức mua của thị trường vẫn đang ở tình trạng yếu nên doanh số chung không tăng trưởng mà chỉ chuyển dịch thị phần giữa các nhà bán lẻ.
Thuý - nữ nhân viên của một cửa hàng điện thoại ở Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hơn một tuần nay, lượng khách đến cửa hàng mua sắm giảm thấy rõ sau kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ và 30/4 - 1/5.
Mặc dù, cửa hàng đã chủ động mở lại sớm hơn lịch làm việc của các công sở, trường học nhưng hiệu quả về doanh số không cao. "Sau kỳ nghỉ lễ lại có 1-2 ngày mưa to nên tổng lượng khách không nhiều", Thuý cho biết.
Hàng ngày cập nhật giá bán điện thoại tại cửa hàng, nhân viên này nhận định, năm nay giá của nhiều mẫu điện thoại cao cấp vốn đắt khách ở các năm trước như dòng iPhone 14 của Apple hay Galaxy S23 của Samsung đều giảm nhanh về mức rất tốt, cộng thêm nhiều ưu đãi đi kèm nhưng không hiểu sao chẳng có khách hỏi mua.
Tương tự, dại diện chuỗi hệ thống CellphoneS cho biết, những ngày đầu tháng 5, doanh số có sự sụt giảm mạnh so với kỳ nghỉ lễ khi nhu cầu giảm và khả năng chi trả bị ảnh hưởng bởi nguồn tiền của khách hàng dồn cho chuyến du lịch trước đó.
Thêm nữa, tháng 5-6 thời tiết thay đổi, nắng nóng gắt, mùa mưa cũng bắt đầu cho nên các cửa hàng điện thoại, điện máy hầu như không có khách, nhất là vào các ngày mưa lớn. Do đó, dự báo doanh số có thể giảm mạnh 10-15% trong 2 tháng 5 và 6. Như vậy, tổng số hàng bán smartphone trong quý 2/2023 được đánh giá là “trũng” nhất từ đầu năm và của cả năm.
Đua khuyến mại để kéo khách
Hiện tại khi thị trường đi xuống, cạnh tranh giá khốc liệt dẫn tới lãi gộp bán hàng sụt giảm. Các chuỗi bán lẻ đặt mục tiêu phải giảm chi phí vận hành xuống thấp nhất để có thể kéo dài thời gian chịu đựng tới khi thị trường dần tốt trở lại. Đặc biệt các chi phí không trực tiếp tạo ra doanh thu được mạnh tay bỏ đi. Đơn cử gần đây, nhà bán lẻ lớn trên thị trường là Thế Giới Di Động phải sa thải 9.000 nhân viên.
Bên cạnh đó, các chuỗi cũng đầu tư cải tiến hệ thống quản trị giá bán, khuyến mãi sản phẩm bằng cách số hoá để thích ứng tức thì với cuộc chiến giá hiện tại. Đại diện hệ thống CellphoneS cho biết vừa triển khai hệ thống quản lý giá bán online và cửa hàng điện tử bằng hệ thống trung tâm, thời gian xử lý thay đổi giá trong 5 giây. Do vậy giá bán được thay đổi linh hoạt, tăng sức cạnh tranh với các nhà bán lẻ lớn khác.
Ngoài ra, trong thời kỳ khủng hoảng, các chuỗi bán lẻ hướng đến mục tiêu cải tiến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Công nghệ được áp dụng giúp dự báo chính xác hơn tồn kho các cửa hàng, phân bổ phù hợp với từng khu vực giúp khách hàng có sản phẩm nhanh chóng nhất. Các hình thức mua trả góp, mua trước trả sau cũng được các hệ thống áp dụng linh hoạt, với thời gian ngắn, giúp người mua thuận lợi hơn trong điều kiện chi tiêu thắt chặt.
Đại diện các chuỗi bán lẻ chia sẻ chuỗi hợp tác chặt chẽ hơn với đối tác hãng, nhà phân phối để có thêm các nguồn hỗ trợ cho các chương trình khuyến mãi hay đem tới cho khách hàng các sản phẩm độc quyền với giá bán, ưu đãi phù hợp trong lúc thị trường ảm đạm.
Đơn cử, FPT Shop mang quà tặng là iPhone 14 Pro Max, Samsung Galaxy S23 Ultra, voucher… để hút khách. Thậm chí, chuỗi này còn đầu tư TVC có sự góp mặt của nhiều ngôi sao giới trẻ như Nguyễn Kim Cương, Ngô Thùy Trâm... để quảng bá sản phẩm.
Một hệ thống khác cũng thực hiện chương trình ưu đãi với sản phẩm điện máy như TV, máy chiếu, loa soundbar… trong dịp SEA Games 32 đang diễn ra ở Campuchia.
Đại diện chuỗi này chia sẻ doanh số TV trong chương trình Đại hội thể thao Đông Nam Á có mức tăng 20% so với tháng 4. Đa số sản phẩm bán ra tập trung vào các sản phẩm TV giá rẻ (dưới 10 triệu) với các kích cỡ 43 inch, 55 inch và 32 inch. Doanh số các sản phẩm loa soundbar bán kèm cùng TV cũng tăng trưởng với các mẫu giá từ 1-2 triệu đồng.