
Trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, đường sắt đang được Chính phủ đẩy mạnh để hướng đến mô hình phát triển đồng bộ, hiện đại và bền vững. Nhiều dự án trọng điểm như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hay các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được thông qua chủ trương đầu tư với kỳ vọng sẽ trở thành những tuyến giao thông “huyết mạch” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ước tính, tổng vốn đầu tư cho các dự án đường sắt bao gồm cả tuyến mới, cải tạo hạ tầng cũ và các hệ thống bổ trợ, có thể lên tới hàng trăm tỷ USD. Trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1,7 triệu tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD) và dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư hơn 8,3 tỷ USD. Đây là "miếng bánh" hạ tầng chưa từng có về quy mô, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước khẳng định năng lực và gia tăng động lực tăng trưởng.
Đặc biệt, sau mùa đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, kỳ vọng có thể tham gia vào các dự án đường sắt hiện đại của các doanh nghiệp nội càng được thể hiện rõ. Theo đó, không chỉ các tập đoàn lớn được “gọi tên” mà cả các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đã có những sự chuẩn bị để bắt đầu nhập cuộc.
Hòa Phát, Thaco, Viettel, VNPT được “đặt hàng”
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025, tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, công ty sẽ không chỉ tham gia vào dự án tàu cao tốc Bắc - Nam mà muốn đóng góp vào tất cả dự án trọng điểm của ngành đường sắt. Công ty sẽ cung cấp sắt, thép để làm đường ray, ga tàu, hầm chui... chủ yếu là phần nền, không sản xuất toa tàu.
"Đây là nhiệm vụ đất nước giao nên sẽ làm. Chúng tôi đang đầu tư một nhà máy sản xuất thép ray với tổng vốn 14.000 tỷ đồng tại Dung Quất 2", ông Trần Đình Long thông tin tới cổ đông và cho biết có thể khởi công nhà máy vào tháng 5 năm nay và đến năm 2027 sẽ có sản phẩm đầu tiên.
Dù đánh giá đây là dự án khó, Việt Nam chưa sản xuất bao giờ song ông Trần Đình Long khẳng định “Hòa Phát sẽ làm để thể hiện uy lực của tập đoàn".
Trước đó, tại một hội nghị vào tháng 2/2025, Chủ tịch Hòa Phát cũng cho hay tập đoàn này đủ năng lực cung cấp các sản phẩm ray thép, thép chế tạo đảm bảo chất lượng làm trục bánh xe tàu hỏa, phụ kiện đường sắt cho các dự án đang được lên kế hoạch triển khai, gồm dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự án đường sắt đô thị Hà Nội.
Với ước tính 3 dự án đường sắt hiện tại cần khoảng 10 triệu tấn thép, Chủ tịch Hòa Phát cam kết sẽ cung cấp đủ khối lượng này với chất lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu, đảm bảo tiến độ cung cấp, với giá thấp hơn so với hàng nhập khẩu.

Xét về tiềm lực, Hòa Phát đang là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, thuộc top 50 thế giới về sản xuất thép với công suất đạt 8,5 triệu tấn/năm. Sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 bắt đầu đi vào hoạt động từ năm nay và vận hành tối đa công suất vào năm 2028, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát có thể đạt 15 triệu tấn/năm.
Với việc Dung Quất 2 đã đi vào hoạt động, năm nay Hòa Phát đặt kỳ vọng sẽ đạt doanh thu kỷ lục 170.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so với thực hiện năm 2024.
Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long có quy mô tài sản gần 228.900 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2025, trong đó số dư tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) ở mức gần 23.700 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt gần 118.000 tỷ đồng, bao gồm hơn 52.900 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Nợ vay tài chính ở mức trên 89.000 tỷ đồng, tương ứng gần 67% vốn chủ sở hữu.
Tương tự, với tiền lực tài chính mạnh cùng kinh nghiệm trong mảng ô tô, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, Tập đoàn Trường Hải (THACO Group) cũng đã được Thủ tướng “đặt hàng” nghiên cứu sản xuất đầu máy và toa xe cho các dự án đường sắt mới.
Tại hội nghị hồi tháng 2, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO khẳng định cùng với định hướng của Thủ tướng, THACO sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép. “Với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, tôi xin hứa với Thủ tướng, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành”, ông nói.
Xét về tiềm lực, THACO Group cũng có quy mô tài sản lớn với tổng tài sản trên 187.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 54.300 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 6/2024). Năm 2025, tập đoàn này đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 119.000 tỷ đồng, trong đó, Thaco Industries - doanh nghiệp hiện phụ trách mảng cơ khí, công nghiệp hỗ trợ - dự kiến đóng góp 14.400 tỷ đồng, tăng gần 35% so với năm 2024. Doanh nghiệp này đang vận hành Trung tâm R&D, Trung tâm Cơ khí và Trung tâm sản xuất linh kiện phụ tùng tại Chu Lai (Quảng Nam) với tổng diện tích 320 ha, tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.
Ngoài hai doanh nghiệp công nghiệp nặng trên, gần đây Chính phủ cũng giao các tập đoàn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.
Doanh nghiệp thi công hạ tầng sẵn sàng nhập cuộc
Tuy nhiên, cơ hội không chỉ dành riêng cho những doanh nghiệp lớn mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng trong nước khi đề xuất chọn các nhà thầu nội địa đang được ưu tiên.
Theo tính toán, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD và hàng triệu việc làm.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam việc tham gia các dự án đường sắt hiện đại có thể là cơ hội ‘thay da đổi thịt’ đối với các nhà thầu xây dựng trong nước.
Thực tế, thời gian gần đây các nhà thầu trong nước đang ráo riết chuẩn bị các nguồn lực bao gồm cả các thiết bị, công nghệ mới cũng như nhân lực để đón đầu thời cơ từ “siêu dự án”.
Tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra, nói về triển vọng tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, lãnh đạo Công ty CP Lizen (mã LCG) cho biết dự án này đã có quyết định khởi công vào cuối 2026. Đây là cơ hội rất lớn với các đơn vị trong ngành giao thông.
“Chính phủ cho biết sẽ chỉ định thầu với các đơn vị có thành tích tốt trước đó. Lizen đều có thể đáp ứng đa số các cơ cấu thi công. Công ty đang hợp tác với các đơn vị để nắm bắt cơ hội. Khâu chuẩn bị đã sẵn sàng để tiếp cận ngay. Kỳ vọng với thành tích sẵn có, Lizen có cơ hội tham gia vào dự án này”, lãnh đạo Lizen nói.
Tương tự, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch Công ty CP Fecon (mã FCN) cho hay từ năm 2025 trở đi, Fecon sẽ thu hẹp mảng này để tập trung mảng công trình ngầm đô thị, đường sắt quốc gia, cảng biển và mở rộng lĩnh vực mới là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Đáng chú ý, trong chiến lược phát triển đến năm 2030, lãnh đạo Fecon kỳ vọng có thể tham gia vào các cấu phần của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Việc tham gia vào các dự án này cùng với mảng đầu tư sẽ là hai động lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng bứt phá trong thời gian tới. Mục tiêu của doanh nghiệp là đến năm 2030 doanh thu sẽ đạt 11.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 915 tỷ đồng.
“Fecon xác định đường sắt tốc độ cao sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển 5 -10 năm tới của chúng tôi nên Fecon đang ráo riết chuẩn bị nguồn nhân sự chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy trao đổi nghiên cứu với các đối tác giàu kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ… để sẵn sàng tham gia vào siêu dự án này”, Chủ tịch Fecon nói.

Cũng có định hướng tham gia vào dự án đường sắt cao tốc, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) hay Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã HHV) đã bắt đầu hợp tác với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực hoặc cử cán bộ đi nước ngoài đào tạo chuyên sâu, chuẩn bị để tham gia vào các đại dự án đường sắt.
Tại hội nghị nhà đầu tư cập nhật kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2025 và định hướng hành động trong năm 2025, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Đèo Cả nhận định các dự án đường sắt mới là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp ngành hạ tầng, đặc biệt là Đèo Cả. Công ty đã có kinh nghiệm thi công nhiều công trình hầm lớn trên các tuyến đường bộ và hoàn toàn tự tin về năng lực để đảm nhận các hạng mục tương tự trong dự án đường sắt sắp tới.
Dù kỳ vọng của các doanh nghiệp rất lớn, song không thể phủ nhận rằng, các dự án đường sắt mới, nhất là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp nội không thể chen chân vào.
Theo nhận định của Chứng khoán Yuanta Vietnam, tổng thầu và tư vấn của dự án đường sắt tốc độ cao nhiều khả năng là doanh nghiệp nước ngoài nhưng các nhà thầu trong nước như Coteccons, Fecon, Vinaconex, Đèo Cả,… vẫn có thể giành lấy các hợp đồng thầu phụ.
Thực tế, phần lớn các cấu phần liên quan đến “cơ sở hạ tầng mềm và cứng” từ nền đường, nhà ga cho đến vật liệu và dịch vụ đều là những thứ mà doanh nghiệp Việt có thể từng bước làm chủ, miễn là có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược đúng đắn.