Đơn hàng đến từ các đối tác nước ngoài giảm sút – là khó khăn đã được cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận và bám sát chặt chẽ với tình hình biến động kinh tế thế giới và trong nước. Từ đó, doanh nghiệp đã có những giải pháp linh hoạt để thích ứng với tình hình mới.
Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh
Hoạt động sản xuất và kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa và công nghệ, ông Vũ Đình Tới, Giám đốc kĩ thuật Tập đoàn Intechgroup cho biết, thông thường vào thời điểm cuối năm trước và đầu năm sau, doanh nghiệp đều nhận được nhiều đơn hàng do nhiều đơn vị tập trung đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chuyên nghiệp, trang bị các máy móc hiện đại và có độ chính xác cao.
Tuy vậy, hiện tại, đơn hàng từ các đối tác nước ngoài của doanh nghiệp giảm rất nhiều so với mọi năm.
“Tình hình thế giới có nhiều có nhiều biến động, đặc biệt là cuộc xung đột Ukraine – Nga, hay lạm phát tăng cao khiến các đơn hàng từ các đối tác lớn như Châu Âu và Nhật Bản bị sụt giảm mạnh so với các năm trước” ông Tới chia sẻ.
Cũng trong tình trạng tương tự, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thực tế hiện nay các doanh nghiệp thủy sản khai xuân nhưng phần nhiều vẫn chưa đẩy mạnh sản xuất do đơn hàng ký rất ít, đếm trên đầu ngón tay.
“Khi hàng tồn kho đã giải quyết xong, khả năng phải cuối quý 1, thị trường thuỷ sản hồi phục, giao dịch mới nhộn nhịp. Trung Quốc xóa thủ tục về COVID-19 hy vọng thị trường phục hồi trở lại, còn thị trường châu Âu, Mỹ hết lạm phát cũng cần có thời gian, sau đó mới xác định mức cầu”, ông Hòe nhìn nhận.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9%.
Việc suy giảm này, ngoài nguyên nhân tháng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng thế giới vẫn đang trong thời kỳ biến động, những thay đổi về địa chính trị được dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng, ít nhất đến hết quý 1/2023.
Những giải pháp linh hoạt
Ông Vũ Đình Tới cho biết, sự khó khăn của năm 2023 đã được ban lãnh đạo nhìn nhận và bám sát chặt chẽ với tình hình biến động kinh tế thế giới với trong nước. Từ đó, doanh nghiệp đã có những giải pháp linh hoạt để thích ứng với tình hình mới.
“Trong năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới, thông minh hơn, đem lại hiệu quả cao cho khách hàng khi sử dụng như robot tự hành và module thông minh. Đặc biệt, đối với thị trường nước ngoài chúng tôi tập trung cải tiến và mở rộng đối với các sản phẩm con lăn - con tải. Đây là sản phẩm đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới”, ông Tới nêu rõ.
Còn theo ông Nguyễn Cao Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Phú Việt Nam, năm 2022 các sản phẩm đồ gia dụng của doanh nghiệp đã có mặt tại Mydin - chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ lớn nhất Malaysia, xuất hiện ở nhiều thị trường tiềm năng như Philippines, Indonesia, Lào, HongKong, Australia, hay Israel. Bên cạnh đó là những hợp đồng xuất khẩu lớn đến từ các đối tác Châu Âu.
Tuy vậy, trong năm 2023, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, Tân Phú không ngừng nỗ lực tìm kiếm những thị trường mới tiềm năng.
“Chúng tôi định hướng phát triển ra thị trường quốc tế, tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thêm các đối tác chiến lược tại các thị trường lớn như Châu Mỹ, Châu Âu, đồng thời mở rộng mạng lưới phân phối trên lãnh thổ Đông Nam Á nhằm mang các sản phẩm tới gần hơn với khách hàng”, ông Giang nêu rõ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm, đa dạng mẫu mã, cải tiến kiểu dáng và công ngh nhằm cho ra đời các sản phẩm có chất lượng tối ưu đáp ứng thị hiếu ngày một nâng cao của người tiêu dùng trong nước.
“Nghiên cứu – phát triển sản phẩm và Công nghệ kỹ thuật là hai bộ phận được quan tâm và chú trọng nhằm tối ưu chất lượng sản phẩm cũng như cho ra đời gần 200 mẫu sản phẩm mới mỗi năm. Ngoài ra, chúng tôi cũng có định hướng mở rộng danh mục sản phẩm với các dòng sản phẩm điện gia dụng trong tương lai", ông Giang nhấn mạnh.
Đưa ra những lưu ý cho doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng, ngoài việc tận dụng và khai thác tốt hơn Hiệp định tự do mà cả Việt Nam và Trung Quốc tham gia như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thì các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu để tránh đứt gẫy nguồn cung, cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần theo dõi sát thị trường và chủ động đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu của thế giới và Việt Nam để kịp thời có những điều chỉnh ứng phó. Việc thông tin dự báo tình hình hàng hóa trong nước và thế giới và cập nhật các quy định chính sách mới của các quốc gia là thị trường lớn của Việt Nam giúp các doanh nghiệp biết và có phản ứng tương ứng.
Đặc biệt, các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý để đảm bảo quyền lợi ích cho doanh nghiệp trong tranh chấp quốc tế.