CTCP Thế Giới Số (Digiworld, DGW) vừa tổ chức buổi gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư để cập nhật tình hình kinh doanh năm 2023 và triển vọng kinh doanh thời gian tới.
Về kinh doanh, trong quý 4/2023 DGW ghi nhận doanh thu thuần 4.849 tỷ, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Đà tăng chủ yếu nhờ mảng điện thoại di động và thiết bị văn phòng tăng trưởng tích cực. Ngược lại, mảng laptop và máy tính bảng giảm 10% do nhu cầu sụt giảm sau mùa tựu trường cùng với việc người tiêu dùng hạn chế đổi mới thiết bị trước các khó khăn kinh tế.
Áp lực chi phí gia tăng khiến lãi ròng quý 4/2023 của Công ty chỉ còn 90 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế cả năm 2023, DGW đạt 18.818 tỷ doanh thu thuần và hơn 363 tỷ lãi ròng, lần lượt giảm 15% và 47% so với năm 2022. So với kế hoạch ĐHĐCĐ giao phó, Công ty thực hiện được 94% mục tiêu doanh thu và 91% mục tiêu lợi nhuận.
Sang năm 2024, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT DGW – chia sẻ đây sẽ là thời điểm thay mới các thiết bị điện thoại, laptop của người tiêu dùng sau thời gian mua vào tại vùng đỉnh 2021. Tuy nhiên, năm nay sẽ vẫn là năm khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm và nửa cuối năm kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn.
"Sức mua của người tiêu dùng liên quan chặt chẽ tới sức mua của các thị trường châu Âu và Mỹ. Nửa cuối năm 2024, việc Fed có thể hạ lãi suất sẽ kích hoạt các kênh chứng khoán và bất động sản. Người có thu nhập cao sẽ có tâm lý tiêu dùng tốt hơn", ông nói.
Do đó, DGW xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay khá thận trọng với mục tiêu doanh thu 23.000 tỷ - tăng 22% và lãi ròng 490 tỷ - tăng 38% so với mức thực hiện của năm 2023. Kế hoạch này được xây dựng với dự phóng doanh thu mảng laptop và điện thoại sẽ tăng trưởng một chữ số; còn mảng thiết bị văn phòng và thiết bị gia dụng sẽ tăng trưởng tích cực hơn.
Riêng trong quý 1/2024, lãnh đạo kỳ vọng sẽ ghi nhận 4.600 tỷ doanh thu và 98 tỷ lãi ròng – tương ứng tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Việt cũng chia sẻ DGW đã nâng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi cầm đồ Vietmoney lên gần 73% và đang nghiên cứu triển khai kinh doanh điện thoại di động và laptop secondhand. Theo DGW, việc M&A chuỗi cầm đồ Vietmoney có thể giúp Công ty đưa ra giải pháp thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng. Hơn nữa, sát nhập Vietmoney vào hệ sinh thái cũng nằm trong chiến lược mới là đang nghiên cứu khả năng kinh doanh các sản phẩm đã qua sử dụng (secondhand).
Thị trường này theo ông Việt tiềm năng còn khá lớn nhưng lại chưa có doanh nghiệp lớn nào tham gia vào phân khúc này. Khi, hiện có hơn 40% thiết bị đang kết nối mạng trên thị trường là điện thoại iPhone, song lượng iPhone bán mới chỉ chiếm 13 - 18% tùy từng quý. Như vậy lượng iPhone cũ đang hòa mạng gấp đôi lượng máy mới được bán hằng năm. Dòng điện thoại này có vòng đời khoảng 6 năm, và khoảng 2 - 3 năm người dùng sẽ đổi máy mới. Do đó, quy mô thị trường điện thoại đã qua sử dụng ở mức lớn. Đồng thời, biên lợi nhuận của các sản phẩm đã qua sử dụng cũng cao hơn máy mới, ông Đoàn Hồng Việt tiết lộ.
Bên cạnh đó, ông Đoàn Hồng Việt cho biết, trong thời gian qua, các tổ chức cho vay tiêu dùng thận trọng hơn trong việc giải ngân đã tác động tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng đối với các sản phẩm do DGW phân phối. Do đó, chuỗi cầm đồ Vietmoney và DGW có thể kết hợp để đưa ra giải pháp người tiêu dùng có thể bán điện thoại cũ để mua điện thoại mới.