Kế hoạch lợi nhuận thấp kỷ lục, không chia cổ tức
Sáng 23/5, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã POW) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024.
Tại đại hội, cổ đông của PV Power đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu đạt tổng sản lượng điện sản xuất 16.703 triệu kWh. Doanh thu mục tiêu đạt 31.736 tỷ đồng, tăng 12% so với năm ngoái song lợi nhuận trước thuế và sau thuế dự kiến giảm lần lượt 31% và 36% so với cùng kỳ, còn 995 tỷ và 824 tỷ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp lên sàn.
Với kế hoạch lợi nhuận thấp kỷ lục PV Power dự kiến sẽ tiếp tục không chia cổ tức trong năm nay. Lý giải về lý do không chia cổ tức, ông Hoàng Văn Quang, Chủ tịch HĐQT PV Power cho biết, sau khi trích các quỹ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty còn hơn 1.235 tỷ đồng. Trong năm 2024 công ty chưa có kế hoạch chia cổ tức do giai đoạn 2020-2025 doanh nghiệp đang triển khai các dự án đầu tư lớn, đặc biệt là Nhơn Trạch 3 và 4. Dự kiến vốn chủ cho giai đoạn này là 7.750 tỷ đồng nhưng hiện mới đáp ứng được khoảng 4.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đầu tư phát triển, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho năm 2024 của PV Power là 9.407 tỷ đồng bao gồm đầu tư xây dựng cơ bản (8.864 tỷ đồng), mua sắm trang thiết bị và tài sản cố định (380 tỷ đồng), đầu tư góp vốn vào đơn vị thành viên (163 tỷ đồng). Trong đó vốn chủ sở hữu là 2.591 tỷ đồng, còn lại là từ nguồn vốn vay và vốn khác.
"Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư vẫn đang thiếu hụt, nhất là sau giai đoạn COVID, các vấn đề liên quan tới tăng trưởng kinh tế chậm lại nên lợi nhuận các năm giảm đi dẫn tới thiếu hụt dòng tiền đầu tư. Do đó, công ty chưa thể chia cổ tức cho năm 2023 và 2024", ông Quang nói.
Cũng theo Chủ tịch PV Power, để tăng vốn, hiện PV Power đang xây dựng phương án tăng vốn trình công ty mẹ PVN, phương án có thể là phát hành cổ phiếu hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Về kế hoạch để đạt được những mục tiêu đặt ra cho năm 2024, lãnh đạo PV Power cho hay, ngoài các công việc thường kỳ như quản lý công tác vận hành, sản xuất, trong năm nay, công ty sẽ thực hiện trùng tu tổ máy số 2 nhà máy điện Vũng Áng 1, trùng tu nhà máy điện Đakđrinh, tiểu tu các nhà máy điện Cà Mau 2, nhà máy điện Hủa Na trong năm 2024 đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn.
Triển khai chuẩn bị các điều kiện cho công tác bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện năm 2025. Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh phát triển cung cấp dịch vụ trong công tác bảo dưỡng sửa chữa nhà máy điện. Sớm hoàn thành việc quyết toán nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và quyết toán cổ phần hóa tổng công ty. Triển khai việc tăng vốn điều lệ của tổng công ty.
Đặc biệt, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của PV Power là tổ chức thực hiện tốt công tác đầu tư dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, dự kiến phát điện thương mại nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 vào tháng 10/2024 và phát điện thương mại nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 vào khoảng giữa năm 2025.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ triển khai công tác đầu tư dự án nhà máy điện khí tại Quảng Ninh. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư phát triển các dự án nhà máy điện LNG như Cà Mau 3 và kho cảng LNG, Vũng Áng, Nghi Sơn,... Nghiên cứu đầu tư phát triển điện năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ (duới 30 MW), điện mặt trời lòng hồ, điện rác, điện gió,… khi có hiệu quả.
Đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho dự án Nhơn Trạch 3 và 4
Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo PV Power đã làm rõ một số vấn đề được cổ đông quan tâm, trong đó có việc cập nhật về tiến độ triển khai và những vướng mắc tại dự án Nhơn Trạch 3 và 4.
Theo ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc PV Power, dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 là công trình trọng điểm, nằm trong quy hoạch năng lượng quốc gia, đây cũng là dự án LNG đầu tiên của Việt Nam nên rất được doanh nghiệp chú trọng. Khi bắt đầu triển khai dự án PV Power tự tin dự án có thể triển khai đúng tiến độ.
Tuy nhiên, thực tế dự án bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan liên quan tới logistics, cản trở thi công nên dự án chậm tiến độ so với ban đầu. Dù vậy, PV Power cùng nhà thầu quyết tâm phát điện thử Nhơn Trạch 3 vào ngày 15/10/2024 và 6 tháng sau sẽ chạy thử Nhơn Trạch 4.
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thuê đất dự án, ông Lê Như Linh thông tin, Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 có diện tích 50 ha nằm trong khu công nghiệp Ông Kèo, tỉnh Đồng Nai. KCN Ông Kèo được tỉnh Đồng Nai giao cho Tổng công ty Tín Nghĩa xây dựng hạ tầng. Thời gian qua PV Power xây dựng nhà máy song song với hạ tầng, thậm chí có thời điểm đi trước xây dựng hạ tầng nên vừa qua đã xảy ra vướng mắc.
Hiện có hai vấn đề liên quan tới đất đai của dự án. Một là chủ đầu tư PV Power phải có được giấy chấp nhận sử dụng đất, thuê đất, tức là phải có sổ đỏ. Cái này về mặt thủ tục, cơ chế hiện nay rất vướng. Công ty đã báo cáo các bên liên quan, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã vào cuộc.
Tính tới thời điểm hiện tại, tỉnh Đồng Nai đã giao toàn bộ đất cho Tín Nghĩa. Vài ngày trước, PV Power đã đàm phán với Tín Nghĩa để có hợp đồng thuê đất. Tín Nghĩa cũng không thu được khoản chênh lệch nào từ việc cho thuê đất từ tỉnh.
"Chúng tôi đang cố gắng cùng với Tín Nghĩa sớm ký được hợp đồng thuê đất này và tiếp tục làm việc để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhanh nhất xong trước ngày 31/5", ông Linh nói.
Vấn đề thứ hai là về phí sử dụng hạ tầng tại khu công nghiệp Ông Kèo, hai bên đã thống nhất và ký thỏa thuận vào ngày 12/10/2021 đến nay vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Tổng công ty Tín Nghĩa đã yêu cầu đàm phán lại và đang đề xuất mức phí 100 USD/m2. Tuy nhiên, mức phí này là quá cao. Do đó, PV Power đang đàm phán với Tín Nghĩa để điều chỉnh thỏa thuận đã ký làm cơ sở đàm phán phí hạ tầng.
Về vấn đề giá điện, nhiên liệu, lãnh đạo PV Power cho biết, với một dự án LNG là một chuỗi phải đồng bộ với nhà máy, đồng bộ với hệ thống truyền tải điện. PV Power đang làm việc để thống nhất các phương thức đảm bảo đưa vào vận hành.
Về hợp đồng mua bán điện (PPA), chiều ngày 22/5, tổ đàm phán PPA giữa PV Power và đơn vị mua bán điện của EVN đã thống nhất lần cuối cùng để trình lên các cấp phê duyệt.
Giá điện bao gồm hai phần, một phần là phí trả cho PV Power. Hiện thỏa thuận về con số EVN sẽ trả cho PV Power (doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy) bao nhiêu tiền vẫn đang trong quá trình trình duyệt.
Trong hợp đồng mua bán điện, EVN sẽ trả cho PV Power công sản xuất ra điện, trực tiếp ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án. Bên cạnh đó, phí nhiên liệu PV Power nhập về bao nhiêu, đốt hết bao nhiêu thì EVN thanh toán tiền, cao thì thanh toán cao và thấp thanh toán thấp, việc này không ảnh hưởng tới hiệu quả dự án.
Lãnh đạo PV Power tự tin, Nhơn Trạch 3 và 4 nằm ở Đông Nam Bộ, khu vực mà sắp tới 9 nhà máy điện khác không có nguồn khí trong nước khi đang suy giảm rất nhanh. Các nhà máy ở đây không ai cạnh tranh được với Nhơn Trạch 3 và 4. Nếu như có LNG về Đông Nam Bộ thì ưu tiên số 1 sẽ cho Nhơn Trạch 3 và 4.
Như vậy, giá khí nhập theo thị trường, giá than cũng theo thị trường. Giá nhiên liệu đầu vào không quyết định điểm hoà vốn. Khi EVN trả tiền nhiên liệu thì PV Power chỉ quan tâm giá công suất EVN trả cho PV Power trên một số điện là bao nhiêu. Vấn đề này hai bên đã đám phán xong sau một thời gian rất dài.
Hiện, các hợp đồng mua bán điện, hợp đồng mua bán khí, quá trình chạy thử ở Nhơn Trạch 3 và 4 đang ở giai đoạn nước rút và khả năng sẽ có thể phát điện thử theo kế hoạch.