
Lợi nhuận năm 2024 chưa đạt kỳ vọng, mục tiêu 2025 tăng mạnh
Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Văn Hương – Tổng Giám đốc PGBank cho biết, năm 2024, ngân hàng ghi nhận tổng tài sản đạt 115% kế hoạch; dư nợ tín dụng tăng 15,8%, đạt 103% kế hoạch; huy động vốn đạt 66.685 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cuối năm 2023 và vượt 118% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,07%. Lợi nhuận trước thuế đạt 425 tỷ đồng, tương ứng 76,8% kế hoạch năm.
Bước sang năm 2025, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.001 tỷ đồng, tăng trưởng 135,3% so với năm trước. Tổng tài sản dự kiến đạt 91.226 tỷ đồng, tăng 24,9%; dư nợ tín dụng đạt 48.653 tỷ đồng, tăng 17,1%; tổng huy động đạt 78.449 tỷ đồng, tăng 17,6%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
Để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, Tổng Giám đốc PGBank cho biết sẽ ưu tiên mở rộng quy mô tài sản ngay từ đầu năm, thay vì dồn lực tăng trưởng vào cuối năm. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi như ngoại hối, thanh toán quốc tế, bảo lãnh và các dịch vụ khác.
Ngoài ra, PGBank sẽ triển khai các biện pháp cải tiến vận hành, tinh giản quy trình, cắt giảm khâu trung gian, nâng cao năng suất, qua đó kéo giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR). Trong năm 2025, ngân hàng cũng đặt mục tiêu thu hồi và xử lý dứt điểm các khoản nợ lớn tồn đọng.
Nhận định chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là cuộc thương chiến Mỹ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của Việt Nam, ông Phạm Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT PGBank cho biết, Ban lãnh đạo ngân hàng đã có nhiều phiên họp bàn để phối hợp với khách hàng hạn chế các rủi ro bị áp thuế hoặc không được thanh toán.
“Nếu khách hàng có tổn thất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Do đó, việc phải đưa ra các chính sách về ngoại tệ hay một số nghiệp vụ liên quan đến việc thanh toán nhằm hạn chế các tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, PGBank cũng đưa ra các biện pháp hỗ trợ cùng khách hàng tìm kiếm, chuyển đổi thị trường mới. Hiện ngân hàng cũng đang xây dựng chính sách để tiết giảm chi phí hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng một loạt cơ chế kiểm soát rủi ro, quản lý rủi ro trên cơ sở thông báo để tránh xảy ra việc bị bất ngờ hoặc bị tổn thất trong quá trình khách hàng bị tổn thất”, ông Thắng cho biết.
Tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng, tìm cổ đông chiến lược
Tại Đại hội, Ban lãnh đạo PGBank đã trình cổ đông thông qua mục tiêu tăng vốn lên 10.000 tỷ trong năm 2025 bằng việc thực hiện 2 phương án, cụ thể:
Ngân hàng sẽ thực hiện nốt cấu phần tăng vốn thêm 800 tỷ đồng qua chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội cổ đông năm trước. Sau khi thực hiện phương án này vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng;
Tiếp đó, PGBank dự kiến phát hành 500 triệu cổ phiếu, gồm 50 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10% và 450 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 9:11, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, việc tăng vốn này nằm trong lộ trình nâng vốn điều lệ lên tối thiểu 20.000 tỷ đồng đến năm 2030 của PGBank.
Về kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài, ông Đào Phong Trúc Đại, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, ngân hàng đang tìm kiếm các cổ đông chiến lược có chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của PGBank. Đương nhiên, việc tăng vốn cũng phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Lợi nhuận trước thuế quý I giảm 17,3% do tăng trích lập dự phòng
Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất, ông Nguyễn Văn Hương, Tổng giám đốc PGBank cho biết, đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của PGBank đạt 73.552 tỷ đồng, tăng 0,7% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 45.349 tỷ đồng, tăng trưởng 10%, trong khi tiền gửi khách hàng đạt 46.717 tỷ đồng, tăng 7,8%.
Kết thúc quý đầu tiên của năm, PGBank đạt lợi nhuận trước thuế đạt 96 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng Giám đốc PGBank cho biết, lợi nhuận quý I giảm bởi ngân hàng chủ động rà soát các khoản nợ, các khoản phải thu và trích lập dự phòng theo đúng quy định của pháp luật và tối ưu hoá tài sản sinh lời để hoạt động hiệu quả hơn.
“Trên cơ sở hoạt động kinh doanh, quan trọng nhất là phần doanh thu và kiểm soát được chi phí. Vì vậy, mặc dù quý I chỉ đạt 96 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhưng chúng tôi tự tin với sự tăng trưởng về quy mô, kiểm soát được chi phí sẽ hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 1.001 tỷ đồng năm 2025”, ông Hương cho biết.