Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cùng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí điện tử Reatimes.vn mới đây công bố Báo cáo thường niên Xu hướng thị trường chung cư trung cấp và cao cấp Hà Nội năm 2023, triển vọng 2023 – 2025, trong đó đưa ra góc nhìn của các chuyên gia trong và ngoài nước về thị trường hiện nay.
Một trong những chuyên gia đóng góp ý kiến là Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Dịch vụ BĐS Hàn Quốc Eric Park. Ông cho biết BĐS là kênh đầu tư được ưa thích ở hầu hết quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nơi đã phát triển như Hàn Quốc.
“Những năm qua lãi suất rất thấp nên người Hàn đầu tư vào BĐS càng nhiều, khiến giá cả tăng lên. Tới khoảng quý 2 hoặc 3 năm ngoái giá BĐS mới chững lại”, vị chuyên gia chia sẻ. “Nhìn chung giá BĐS Hàn Quốc những năm qua luôn theo xu hướng tăng. Tôi cho rằng miễn là còn tăng trưởng kinh tế thì giá BĐS sẽ còn tăng”.
Không dừng lại ở trong nước, các nhà đầu tư Hàn Quốc còn là nhân tố lớn trên thị trường BĐS toàn cầu, với những quyết định đầu tư dao động từ 50 - 400 triệu USD – ông Park cho hay. Năm 2019, dòng tiền đầu tư Hàn Quốc vào các dự án BĐS nước ngoài lên tới 17 tỷ USD, khiến Hàn Quốc trở thành nước đầu tư cho BĐS ngoại quốc mạnh nhất trong châu Á - Thái Bình Dương năm đó.
Tại thị trường Việt Nam, nhiều người Hàn đã sở hữu chung cư ở các thành phố lớn. Trong khi đó, một bộ phận đang mong muốn đầu tư nhưng còn lo ngại về các luật lệ dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, bỏ qua những luật lệ đó, chuyên gia Park đánh giá Việt Nam luôn nằm trong nhóm những thị trường ưu tiên đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc.
“Hiện nay, dòng người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam đang tăng lên mỗi năm. Nhu cầu nhà ở, không gian làm việc và giải trí cho nhóm khách này cũng theo đó tăng lên”, ông lý giải.
“Ví dụ ở nhóm mặt bằng văn phòng cho thuê, mô hình làm việc hybrid (cả online và offline) là xu hướng chủ yếu trong thị trường cho thuê. Nhóm khách thuê đến từ ngành công nghệ và công nghệ sinh học đang tăng lên. Những con phố công sở - nơi tập trung nhiều tập đoàn, công ty sẽ thu hút người thuê chuyển tới để tìm được giá thuê tốt nhất”, ông Park cho biết thêm.
Trong báo cáo, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Singapore Jeffhery Foo cho biết đầu tư bất động sản cũng là kênh phổ biến nhất với người dân Singapore, bởi đơn giản đó là tài sản vô thời hạn. Các nhà đầu tư Singapore vốn đã vào thị trường BĐS Việt Nam trong suốt 20 năm qua như CapitaLand, Keppel Land, Mapletree, Sembcorp, Ascendas…
CapitaLand - một trong những "ông lớn" BĐS Singapore tại thị trường Việt Nam.
“Trong tương lai, các nhà đầu tư Singapore vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam, bởi giá thành ở đây đang thấp hơn Singapore và tiếp tục tăng trưởng. Là người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tôi cân nhắc về chủ đầu tư, thương hiệu và đặc biệt là tiềm năng tăng giá”, ông Jeffhery Foo nêu quan điểm.
Đáng chú ý, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Singapore nhìn nhận giới trẻ Việt Nam là nguồn cảm hứng mới dẫn dắt thị trường.
“Ngày càng nhiều chung cư cao cấp được xây dựng, giới trẻ tại Việt Nam cũng được truyền cảm hứng để mua các căn hộ cao cấp. Tôi nghĩ giá không quá đắt đối với người nước ngoài, thậm chí người dân địa phương cũng có thể chi trả.
Từ góc nhìn của một người nước ngoài, tôi cho rằng các khu chung cư cao cấp tại Việt Nam sẽ tiếp tục được xây dựng, vì ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài bước vào thị trường Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Dân số Việt Nam cũng đang tăng thêm, từ đó sẽ cần thêm nhiều sản phẩm BĐS không chỉ là dòng cao cấp mà cả những dòng sản phẩm trung cấp”, ông Jeffhery Foo nhận định.
Ông dự đoán các loại hình BĐS cao cấp sẽ có xu hướng gia tăng, bởi thị trường vẫn đang thu hút người nước ngoài đến và đầu tư dài hạn, không chỉ chung cư cao cấp mà cả văn phòng làm việc.
“Một điểm cộng nữa của Việt Nam là dân số trẻ. Nhờ năng lượng, khát vọng toát ra từ giới trẻ, tôi nghĩ điều đó cũng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến để đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam”, chuyên gia người Singapore cho hay.