Quay về eMagazine
CHỨNG KHOÁN 2023: VÒNG QUAY CẢM XÚC

CHỨNG KHOÁN 2023: VÒNG QUAY CẢM XÚC

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 đã chứng kiến các cung bậc cảm xúc từ nghi ngờ, hy vọng, lạc quan, hưng phấn đến sợ hãi, chán nản và rồi lại đang quay lại trạng thái nghi ngờ trong những phiên tăng cuối cùng của năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bất chấp một năm kinh tế nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại năm 2023 với mức tăng 12,2% của VN-Index. So với một số chỉ số trong khu vực như KOSPI (+18,73%), TWSE (+26,7%), NIKKEI 225 (+28,24%), mức tăng kể trên có thể chưa làm hài lòng nhiều nhà đầu tư nhưng đây cũng là thời điểm để nhìn lại chặng đường của thị trường trong 12 tháng đã qua.

anh11-2344.png

Quý 1: Điểm sáng đầu tư công và sự xoay chiều của chính sách tiền tệ

Sau khi giảm xuống dưới 900 điểm trong quý 4/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có năm giảm 32,78%, mức thiệt hại lớn thứ 2 trong lịch sử. Tâm lý nhà đầu tư trong những ngày đầu năm 2023 vẫn ẩn chứa đầy những nỗi lo về triển vọng kinh tế vĩ mô, sự lao dốc của thị trường bất động sản và những đợt đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hy vọng cũng được "gieo mầm" từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế và quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ giúp mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế 6,5% trong năm 2023 không trở nên quá xa vời.

Sự kiện đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần của dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đã tạo ra sinh khí mới cho nhiều nhóm cổ phiếu Xây dựng, Vật liệu xây dựng. Nhiều mã lớn đã tăng mạnh trong quý 1/2023 như LCG (CTCP Lizen) tăng tới 70%, VCG (Vinaconex) tăng 18,6%, C4G (Tập đoàn CIENCO4) tăng 16,5%, HHV (Đèo Cả) tăng 43%, HT1 (VICEM Hà Tiên) tăng 45,9%, KSB (Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương) tăng 42,3%, VLB (VLXD Biên Hòa) tăng 21,2%, PLC (Hóa dầu Petrolimex) tăng 48%.

Thử thách cho thị trường cũng xuất hiện trong giai đoạn này sau khi có những thông tin về sự sụp đổ của các ngân hàng Credit Suisse, Sillicon Valley Bank, Siganture Bank tại Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, Chính phủ cùng các bộ ngành đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ trong tháng 3 để hỗ trợ nền kinh tế như Nghị định 08 về kéo dài thời hạn trả nợ trái phiếu, Nghị Quyết 33 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, bao gồm gói tín dụng cho nhà ở xã hội, giãn/hoãn các khoản vay của doanh nghiệp bất động sản…

Đáng chú ý nhất là động thái 2 lần hạ lãi suất diễn ra trong tháng 3/2023 đã phát tín hiệu chính sách tiền tệ đi ngược lại các nền kinh tế lớn. Cùng với đó là động thái bổ sung thêm vốn của quỹ Đài Loan Fubon FTSE Vietnam ETF đã giúp VN-Index hồi phục 5,71%.

Theo thống kê, 3 sàn đã nhận ròng tiếp gần 7.000 tỷ đồng sau khi được các quỹ ngoại bắt đáy gần 29.000 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2022.

Quý 2: “Liều thuốc” hạ lãi suất phát huy tác động với thị trường

Giai đoạn quý 2/2023 có thể được xem là quãng thời gian thể hiện sự quyết liệt nhất trong điều hành của cơ quan quản lý. Hàng loạt chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội ban hành như Nghị định 10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (2013), Nghị định 12/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023, Phê duyệt Quy hoạch điện VIII.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngoài việc có thêm một đợt hạ lãi suất điều hành còn ban hành 2 thông tư để hỗ trợ hệ thống ngân hàng cơ cấu nhóm nợ và các doanh nghiệp trong việc trả nợ trái phiếu.

Các nhóm ngành Thép, Hóa chất, Nhựa, Khu Công nghiệp, Bán lẻ đã ghi nhận hàng loạt mã tạo được niềm tin trong đó HPG (Hòa Phát), FRT (FPT Retail) ghi nhận tháng 6 có thành tích tăng tốt nhất trong cả năm 2023, lần lượt là 23,35% và 30,26%. Những diễn biến này đã giúp cho VN-Index đạt thành tích tăng 5,22% trong quý 2/2023.

Dù vậy, đây cũng là quý đầu tiên chứng kiến hoạt động chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị ròng đã đảo chiều thành -4.950 tỷ đồng.

Quý 3: Thị trường lên đỉnh của năm 2023 trong quý nhiều sự kiện lớn

Điểm số cao nhất của VN-Index được xác lập trong tháng 9/2023 tại 1.255 điểm, tương ứng với mức tăng của chỉ số tính từ đầu năm 2023 có lúc đã đạt tới 24,6%, vượt qua một số thị trường mạnh trong khu vực.

Thực tế, VN-Index đã đi theo mô hình 2 đỉnh và trước khi xác lập đỉnh thứ 2 thị trường vẫn đầy hưng phấn trước các chính sách hỗ trợ được bổ sung như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đến hết năm 2023, đưa vào vận hành hệ thống giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và đợt giảm lãi suất lần thứ 4 của NHNN.

Ngoài ra, các sự kiện cổ phiếu VinFast niêm yết trên NASDAQ và đấu thầu gói 5.10 sân bay Long Thành, Hoa Kỳ Việt Nam nâng quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện không chỉ tác động tới thị trường mà thu hút của cả truyền thông trong nước và quốc tế.

Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, công ty mẹ của VinFast có thời điểm tăng hơn 40% đầu tháng 8 trong khi các cổ phiếu Xây dựng như VCG, CC1, PHC cũng có những tuần cao trào của năm 2023.

Tuy nhiên, sau khi xác lập đỉnh, tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán đã đổi chiều sang lo lắng trước đợt chốt lời của nhóm Vingroup hay tin tức về việc CTCK có thị phần môi giới lớn nhất thị trường VPS cắt giảm margin.

Đặc biệt, sự kiện NHNN phải phát hành tín phiếu trở lại được xem là "giọt nước tràn ly" dù đây chỉ là những động thái để ngăn chặn hoạt động đầu cơ ngoại tệ, giúp tỷ giá không biến động bất thường.

So với quý trước, quy mô bán ròng của khối ngoại trong quý 3/2023 cũng tăng gần 2 lần, lên hơn 9.600 tỷ đồng.

Quý 4: Cao điểm bán ròng của khối ngoại và nỗi ám ảnh về mốc 1.100 điểm

anh-2-2205.png
Trở lại mua ròng trong 3 phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, khối ngoại có quý bán ròng hơn 16.000 tỷ đồng.

Dù cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam vẫn là động cơ chính khiến cho dòng tiền ra khỏi thị trường.

Hoạt động của khối ngoại đã góp phần khiến VN-Index phải chật vật trong việc lấy lại xu hướng tăng dài hạn và khiến cho nhịp dao động quanh mốc 1.100 điểm diễn ra liên tục.

Tâm lý nhà đầu tư trong nước phải chịu ức chế lớn khi chứng kiến đợt tăng mạnh của nhiều thị trường châu Á. Còn trong nước, việc hệ thống KRX lỡ hẹn ngày ra mắt 25/12 khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về tình hình triển khai hệ thống khi đã không thể đưa vào vận hành trong 10 năm vừa qua.

Thông tin gần nhất liên quan đến hệ thống là HOSE vẫn đang trong giai đoạn tập hợp các kết quả kiểm thử từ các CTCK . Theo đó, thời gian kiểm thử từ 22/12-24/12. HOSE yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo lỗi (nếu có) và báo cáo kết quả kiểm thử cho giai đoạn FAT (20/11-24/12) cho HOSE vào ngày 25/12.

Với những điều còn khá ngổn ngang giai đoạn cuối năm, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC đánh giá về triển vọng đầu năm 2024, thị trường có thể cần tích lũy hoặc điều chỉnh thêm trong nửa đầu tháng 1/2024 cho đến khi tạo đáy mới ngắn hạn và hình thành xu hướng tăng mới. Sóng mùa xuân kéo dài đến giai đoạn “Sell in May” mang lại tỷ suất lợi nhuận tương đối tốt, nhưng lựa chọn thời điểm để bắt đầu tham gia cũng rất quan trọng.

Sóng mùa xuân kéo dài đến giai đoạn “Sell in May” mang lại tỷ suất lợi nhuận tương đối tốt, nhưng lựa chọn thời điểm để bắt đầu tham gia cũng rất quan trọng. – Ông Bùi Văn Huy.

Ông Huy cho biết mùa xuân sau các năm nhuận 2008, 2012, 2016, 2020 và giờ là 2024, sóng chứng khoán thường đến trễ và trước đó có sóng giảm tương đối. Nhà đầu tư có thể “có Tết nhưng không sớm”.

Trong khi đó, ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam vẫn kỳ vọng vào câu chuyện KRX sẽ đi vào vận hành trong thời gian tới bất chấp tiến độ đề ra đã liên tục không đạt mục tiêu. Các cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn nên được xem là nhóm có câu chuyện đầu tư bên cạnh các nhóm bất động sản khu công nghiệp, cảng biển cũng hấp dẫn nhờ sự hồi phục của dòng vốn FDI, nhu cầu logistics tăng trở lại.

Theo Ấn phẩm Sức mạnh nôi lực

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE