“Deadline” đang tới gần
Trong Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 được Chính phủ phê duyệt hồi cuối năm 2022, ngân hàng Agribank được đưa vào danh sách cổ phần hóa với mục tiêu tỷ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là trên 65%.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, khi “deadline” đang tới gần nhưng vẫn chưa có nhiều thông tin về khả năng triển khai.
Hiện Agribank là ngân hàng duy nhất trong nhóm “Big 4” chưa tiến hành cổ phần hóa. Ba thành viên khác là Vietcombank, VietinBank và BIDV đã lần lượt được hoạt động với tư cách là một ngân hàng thương mại cổ phần vào các năm 2008, 2009 và 2012.
Cũng cần phải nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu tiên kế hoạch cổ phần hóa Agribank được đưa ra. Nhiệm vụ này đã từng được đặt ra từ năm 2007, tuy nhiên, sau đó đã phải tạm dừng do những biến động trên thị trường tài chính, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính thế giới giai đoạn 2008 – 2009 rồi đến biến động trong hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 – 2013.
Đến năm 2017, kế hoạch cổ phần hóa Agribank một lần nữa được khởi động lại nhưng xuất hiện thêm nhiều vấn đề trở ngại do liên quan đến việc định giá tài sản là đất, tài sản gắn liền trên đất thuộc sở hữu của Nhà nước.
Theo quy định tại Nghị định 126, việc cổ phần hoá chỉ được triển khai sau khi có phương án sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất được phê duyệt. Trong khi đó, nguồn gốc hình thành, tình trạng pháp lý của các cơ sở nhà đất của Agribank có nhiều vướng mắc nên việc xử lý kéo dài.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng hồi đầu năm nay, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, mặc dù rất cố gắng nhưng trong năm 2023 ngân hàng cũng chỉ xử lý được 12 mảnh, hiện còn 29 mảnh/2.174 mảnh vẫn chưa giải quyết được.
“Agribank sẵn sàng bàn giao nguyên trạng cho địa phương 29 mảnh còn vướng mắc này để triển khai cổ phần hoá. Do vậy, ngân hàng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vấn đề này mà không chờ xử lý tổng thể sau khi Luật Đất đai mới được thông qua và có hiệu lực”, Chủ tịch HĐTV Agribank đề xuất.
Vấn đề cấp thiết
Tiến độ cổ phần hóa chậm chạp trong khi các yêu cầu về tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đang đặt ra ngày càng cấp thiết đối với Agribank.
Là một trong các ngân hàng thương mại Nhà nước đóng vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng, Agribank có mạng lưới rộng lớn nhất với gần 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên khắp cả nước và có tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn lớn (lĩnh vực này thường chiếm khoảng 50-70% tổng dư nợ của Agribank).
Đáng chú ý, đây cũng là ngân hàng thương mại đang gánh quy mô tổng tài sản quá lớn, đứng thứ hai hệ thống (chỉ sau BIDV) trong khi quy mô vốn điều lệ lại ngày càng thiếu cân đối. Những năm gần đây, quy mô vốn điều lệ của Agribank thậm chí đã tụt lại phía sau so với nhiều ngân hàng khác, kể cả các ngân hàng cổ phần tư nhân.
Trong năm 2023, Agribank đã được bổ sung thêm gần 7.000 tỷ đồng vốn điều lệ, từ 34.210 tỷ đồng lên 40.963 tỷ đồng. Dù vậy, quy mô vốn điều lệ của ngân hàng hiện chỉ xếp thứ 7 toàn ngành, thấp nhất trong nhóm Big4 và kém xa ba ngân hàng thương mại cổ phần là MB (52.870 tỷ đồng), VPBank (79.339 tỷ đồng) và ACB (44.667 tỷ đồng).
Do chưa cổ phần hóa, việc tăng vốn của Agribank hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nên tốc độ tăng vốn rất chậm, hệ số an toàn vốn (CAR) thấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngân hàng cũng như nhu cầu vốn của nền kinh tế. Cập nhật mới nhất của ngân hàng cho biết, đến cuối tháng 6/2023, CAR hợp nhất của ngân hàng ở mức 8,86%, chỉ nhỉnh hơn chút so với mức yêu cầu tối thiếu 8% của NHNN.
Để đảm bảo các cân đối, thời gian qua Agribank liên tục phải phát hành trái phiếu kỳ hạn dài và lãi suất cao hơn thông thường để kê vốn. Mới đây nhất, giữa tháng 11/2023, ngân hàng này tiếp tục chào bán 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, kỳ hạn 8 năm để tăng vốn cấp 2 - một trong những điều kiện để giữ tỷ lệ an toàn vốn.
Ở lô trái phiếu cần huy động trên, lãi suất áp dụng là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ được niêm yết của 4 ngân hàng BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ 2%/năm. Như vậy Agribank phải chấp nhận chi phí lãi suất cao hơn để có nguồn cân đối trên.
Cũng do năng lực tài chính hạn chế với thực trạng vốn điều lệ nói trên, nên dù có thị phần huy động, thị phần tín dụng và tổng tài sản lớn thứ nhì hệ thống, lại cho vay chủ yếu lĩnh vực ưu tiên, nhưng room tín dụng mà Agribank được cấp vẫn ở mức thấp so với nhiều ngân hàng thương mại khác.
Một cập nhật hiếm hoi từ các cơ quan quản lý, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 10/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, để chuẩn bị cho việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Agribank, Ngân hàng Nhà nước đang hợp tác với Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc ban hành quyết định cổ phần hóa và việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Agribank.