Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - MSB vừa công bố nghị quyết về việc triển khai tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2024.
Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành thêm tối đa 600 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 30% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 30 cổ phiếu mới), giúp vốn điều lệ tăng từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện là trong năm 2024, sau khi có chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước.
Nguồn vốn sử dụng để tăng vốn điều lệ là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, bao gồm lợi nhuận sau thuế năm 2023 sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận những năm trước để lại. Theo BCTC đã kiểm toán, đến cuối năm 2023, tổng lợi nhuận chưa phân phối hợp nhất của ngân hàng là gần 8.000 tỷ đồng
MSB cho biết, mục đích phát hành là nhằm củng cố vị thế cạnh tranh của ngân hàng nhờ tăng quy mô vốn điều lệ, củng cố bộ đệm vốn và nâng cao các chỉ tiêu an toàn tài chính, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn, nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư hệ thống cho ngân hàng.
Do tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức nên tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn tại MSB không thay đổi. Theo công bố của ngân hàng, đến ngày 31/3, MSB chỉ có một cổ đông lớn trong nước là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), nắm 6,05% vốn điều lệ. VNPT dự kiến sẽ nhận thêm hơn 36 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành này.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có 6 cổ đông nước ngoài sở hữu từ 2% đến dưới 5% vốn điều lệ, nắm tổng cộng 23,89% vốn. Tổng vốn nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ tại MSB là 29,96%.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý đầu tiên của năm 2024, MSB ghi nhận trước thuế 1.530 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng tài sản của MSB đạt gần 278,8 nghìn tỷ đồng, mở rộng thêm 4,4% so với đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng đạt 156,16 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 4,7%. Tiền gửi khách hàng hiện ở mức hơn 137,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1%. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng hiện ở mức khá cao, tới 113%.
Về chất lượng tài sản, thuyết minh BCTC cho thấy, đến cuối quý I, tổng nợ xấu nội bảng của MSB ở mức 4.959 tỷ đồng, tăng 15,8% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay theo đó tăng từ mức 2,87% lên 3,17% khi kết thúc quý I. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng khá mỏng, hiện ở mức 53,6%.