Trao đổi với phóng viên mới đây, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Agribank cho biết, dù nền kinh tế đã có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng thực tế cho thấy, các khách hàng, doanh nghiệp, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đến hết 30/6, tín dụng của ngân hàng mới chỉ tăng được hơn 40.000 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 2,58% so với cuối năm trước. Trong số hơn 40.000 tỷ tín dụng tăng thêm, 50% vốn được đưa vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
So với mức tăng trưởng toàn ngành đạt 6% trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Agribank được đánh giá là khá khiêm tốn.
“Do dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm từ 62 – 65% tổng dư nợ nên cho vay của Agribank có tính chất đặc thù mùa vụ, thường tập trung vào 6 tháng cuối năm. Do đó, dự kiến chúng tôi có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu là 10%”, bà Bình cho biết.
Được biết, trong năm 2024, Agribank đã được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 12,5%. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, từ nay tới cuối năm, ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào thế mạnh về cho vay nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, thủy sản, lâm sản.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2024, Agribank đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 26.960 tỷ đồng, con số này sẽ được điều chỉnh theo ý kiến của NHNN sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính. Agribank không nêu rõ đây là lợi nhuận riêng lẻ hay hợp nhất.
Tổng tài sản trong năm nay dự kiến tăng 5-8%, phù hợp với tăng trưởng vốn huy động. Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư dự kiến tăng từ 5-8%, điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến được kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn sẽ nhỏ hơn 1,85%.
Ngoài ra, trong năm 2024, Agribank dự kiến chi 20.800 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, cao hơn mức 19.347 tỷ đồng của năm 2023.