Canada sẽ đầu tư 120 triệu CAD (88 triệu USD) trong vòng 5 năm để xây dựng mạng lưới chip quốc gia trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi chính phủ phải hành động nhiều hơn để củng cố lĩnh vực bán dẫn đang tụt hậu của nước này.
Bộ trưởng Công nghiệp Canada François-Philippe Champagne đã công bố khoản đầu tư trên từ Quỹ Đổi mới chiến lược liên bang. Khoản đầu tư này nhằm hỗ trợ một dự án trị giá 220 triệu CAD do tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận CMC Microsystems dẫn đầu nhằm giúp các công ty khởi nghiệp Canada thương mại hóa các công nghệ mới.
Dự án “Chế tạo các thành phần tích hợp cho mạng Internet tân tiến - Fabric” sẽ trợ cấp cho việc sản xuất các nguyên mẫu và cung cấp cho người tham gia quyền truy cập rẻ hơn vào các công cụ, phần mềm và đào tạo.
Dự án cũng cung cấp khoản tài trợ lên tới 10 triệu CAD để phát triển phần cứng trong chất bán dẫn, chất siêu dẫn, cảm biến thông minh và quang tử. Chủ tịch CMC Gordon Harling cho biết trong một tuyên bố: “Sự hỗ trợ dành cho Fabric sẽ đảm bảo tương lai của Canada trong lĩnh vực bán dẫn và sản xuất tiên tiến”.
Trước đó, chính phủ Canada và tỉnh Quebec, tập đoàn IBM đã công bố khoản đầu tư chung trị giá 187 triệu CAD để mở rộng cơ sở đóng gói chip của IBM Canada tại Tp Bromont, cách Montréal khoảng 80 km về phía đông vào tháng 4/2024.
Trong khi một số người đang báo trước sự phục hưng trong lĩnh vực chip của Canada, những người khác cho rằng chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau chưa nỗ lực đủ để theo kịp sự cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là sau Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ vào năm 2022. Đạo luật này dành 39 tỷ CAD tài trợ trực tiếp, cộng với các khoản vay và bảo lãnh vay trị giá 75 tỷ CAD để khuyến khích sản xuất chất bán dẫn của Mỹ. Đáp lại, Chính phủ Canada đã hứa trợ cấp hàng tỷ CAD để phù hợp với các ưu đãi trong Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ nhằm thu hút các nhà sản xuất ô tô toàn cầu sản xuất pin xe điện ở Canada.
Ông Paul Slaby, Giám đốc Hội đồng bán dẫn Canada, gần đây phàn nàn rằng Canada thiếu chiến lược công nghiệp cho lĩnh vực chip. Phát biểu tại “Diễn đàn kinh tế quốc tế” của hội nghị châu Mỹ ở Montreal vào tháng 6, ông Slaby cho biết Chính phủ Canada gần đây mới bắt đầu xây dựng một đội ngũ chuyên trách cho ngành này. Ông đề nghị Canada tìm cách khẳng định vị thế của mình trong thương mại quốc tế bằng cách kiểm soát một phần thích hợp của chuỗi cung ứng, như Hà Lan đã làm với nhà sản xuất máy quang khắc ASML Holding NV.
Kể từ khi ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học, hơn 50 dự án bán dẫn đã được thực hiện ở Mỹ. Ông Slaby đề xuất việc cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mang đến cơ hội phù hợp với lợi ích của Mỹ. Do đó, Canada cần một hiệp ước bán dẫn với Mỹ.