Mới đây nhất, hãng hàng không Vietjet cho biết, hãng dự kiến nhận thêm 10 tàu bay thế hệ mới vào đội tàu bay hiện đại, dự kiến giao từ tháng 8/2024, phần lớn là các tàu bay A321neo ACF hiện đại nhất hiện nay của Airbus.
Tại Farnborough Airshow, Vietjet cũng đã ký hợp đồng đặt mua 20 tàu bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) của Airbus với tổng trị giá 7,4 tỷ USD.
Hiện, Vietjet đang khai thác đội tàu hơn 100 chiếc với những thế hệ tàu bay tiên tiến, hiện đại, an toàn nhất thế giới như A320, A321ceo, A321neo - A321neo ACF, A330 bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Trong khi đó, với hãng hàng không Vietnam Airlines, ngày 31/7 vừa qua, Vietnam Airlines đã đón thêm máy bay thân rộng Boeing 787-10, chạm mốc 30 máy bay thân rộng. Đây là chiếc Boeing 787-10 thứ 5 và là máy bay thân rộng thứ 30 gia nhập đội bay của Vietnam Airlines.
Với việc tiếp nhận máy bay 787-10 mới, Vietnam Airlines đang sở hữu đội máy bay lên tới gần 100 chiếc. Trong đó, đội máy bay thân rộng có tổng cộng 05 chiếc Boeing 787-10; 11 chiếc Boeing 787-9 và 14 chiếc Airbus A350.
Các máy bay thân rộng chủ yếu được khai thác trên những chặng bay quốc tế giữa Việt Nam và Đông Bắc Á, châu Âu, Úc, Mỹ và trên chặng bay nội địa Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh.
Từ nay đến cuối năm, theo dự kiến, Vietnam Airlines có thể nhận thêm 3 máy bay (gồm 2 tàu bay A320 và 1 tàu bay B787-10).
Với hãng hàng không Bamboo Airways, ngày 25/6, chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu RP-C9799 đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), chính thức gia nhập đội bay của Bamboo Airways. Đây là máy bay thuê ướt thứ 3 mà Bamboo Airways đã nhận từ đầu năm 2024.
Thông tin ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, năm 2024, Bamboo Airways dự kiến khai thác 9 tàu bay thân hẹp Airbus, có thể tăng lên 12 chiếc vào cuối năm 2024.
Báo cáo của Cục Hàng không, đến hết tháng 6/2024, tổng số máy bay các hãng hàng không Việt Nam có trong Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) là 195 chiếc, giảm 36 máy bay so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, số máy bay đang khai thác trung bình khoảng 167 chiếc, giảm trung bình khoảng 51 chiếc so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tỷ lệ của tổng máy bay sử dụng trên tổng số máy bay có trong AOC của các hãng năm 2023 là 94,4% thì năm 2024 tỷ lệ này chỉ còn 85,6%.
Việc thiếu hụt máy bay số lượng lớn kéo dài từ cuối năm 2023 đến nay do nhiều nguyên nhân trong đó, nguyên nhân chính là việc Airbus bảo dưỡng động cơ máy bay. Do đó, các hãng hàng không đã tìm mọi cách để bổ sung tàu bay, duy trì tải cung ứng tuy nhiên, việc này cũng gặp không ít khó khăn do tình trạng thiếu hụt tàu bay diễn ra trên toàn cầu.
Nỗ lực tăng số lượng máy bay của các hãng hàng không đã khiến vé may bay hạ nhiệt trong thời gian gầy đây. Theo số liệu mới công bố của Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay nội địa nhất là vé đến các thành phố du lịch trong nước từ ngày 1/8 đến 15/8 giảm mạnh khi các hãng hàng không Việt Nam cung ứng chỉ bằng 35% đến 65% mức tối đa.
Trong khi nửa đầu năm 2024, giá vé trên một số đường bay trong nước tăng cao so với cùng kỳ 2023. Khảo sát của Cục Hàng không hồi tháng 4 cho thấy chặng Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh giá vé bình quân một chiều của Vietnam Airlines là 2,64 triệu đồng (tăng 14%). Các hãng Bamboo Airways là 2 triệu (tăng 11%), Vietjet khoảng 1,74 triệu (tăng 25%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu (tăng 15%).
Nguyên nhân lớn nhất khiến giá vé tăng mạnh là các hãng trong nước thiếu hụt tàu bay, chỉ khai thác thực tế 165-170 chiếc, giảm 40-45 chiếc so với mức bình quân năm ngoái.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tổng lượng khách nội địa ước đạt 37 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2024, tăng hơn 3% so với cùng kỳ 2023 và bằng 97% so với cùng kỳ 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19). Trong đó, chiếm thị phần lớn nhất thuộc về Vietjet Air với 44%, Vietnam Airlines 42%, Bamboo Airways 7%, Vietravel Airlines 3%, Pacific Airlines và VASCO chiếm 4%.