Các hãng hàng không giá rẻ lên ngôi sau dịch COVID-19

Các hãng hàng không giá rẻ là những "người chiến thắng" trong mùa Hè này. Họ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của hoạt động vận tải hàng không.

Nhận xét về bức tranh toàn cảnh ngành hàng không châu Âu, nhật báo Le Monde cho rằng, do được hành khách ưa chuộng, các hãng hàng không giá rẻ đang hưởng lợi ngày càng nhiều từ sự phục hồi của vận tải hàng không so với các hãng hàng không truyền thống, ngay cả khi họ cũng gặp khó khăn với vấn đề tuyển dụng, hệ quả từ cuộc xung đột ở Ukraine và sự gia tăng giá nhiên liệu.

Có thể nói, các hãng hàng không giá rẻ là những "người chiến thắng" trong mùa Hè này. Họ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của hoạt động vận tải hàng không. Trong khi các hạn chế liên quan đến dịch bệnh áp dụng ở châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc, vẫn đang kìm hãm việc nối lại các chuyến bay đường dài thì các hãng hàng không tầm trung dường như đã vượt qua khủng hoảng.

Số liệu của Tổ chức An toàn Hàng không châu Âu (Eurocontrol) cho thấy tình trạng hồi phục đáng kinh ngạc của các hãng hàng không giá rẻ, đặc biệt là hai hãng hàng không dẫn đầu thị trường, Wizz Air của Hungary và Ryanair của Ireland.

Chỉ tính riêng trong tuần đầu tháng Tám, hai công ty này đã hoạt động tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 - năm cuối cùng trước cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu liên quan đến đại dịch COVID-19. Theo Eurocontrol, số chuyến bay do Wizz Air khai thác đã tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi hoạt động kinh doanh của Ryanair tăng trưởng 15%.

Theo Guillaume Hue, chuyên gia thuộc công ty tư vấn chiến lược Archery Strategy Consulting, có bốn yếu tố giải thích hiệu quả hoạt động tốt của các hãng hãng không giá rẻ. Trước hết, họ được hưởng lợi từ "khả năng phục hồi mạnh mẽ của mô hình kinh doanh, vốn ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng dịch bệnh COVID-19".

Ngược lại, hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không truyền thống vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Trong tuần đầu tháng Tám, hoạt động của hãng hàng không Air France thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm 2019. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn đối với Lufthansa (-20%) và đặc biệt là British Airways (-28%).

Ông Hue nhận xét, với hoạt động chỉ tập trung vào đường bay tầm trung, các hãng hàng không giá rẻ "có khả năng khôi phục công suất ngay khi nhu cầu quay trở lại". Ryanair và Wizz Air là hai ví dụ điển hình nhất. Trong khi tập đoàn Air France chỉ khai thác 1.067 chuyến bay trong tuần từ ngày 5-11/8, hãng hàng không Ryanair của Ireland đứng đầu ở tất cả các hạng mục, đã thực hiện 3.012 chuyến bay.

Wizz Air tuy kém xa, chỉ với 817 chuyến bay, nhưng công ty Hungary này, có mô hình tương tự của Ryanair ở Trung Âu, gần như chỉ mới xuất hiện trên bầu trời châu Âu.

Bên cạnh đó, ngoài việc hồi phục lại nhanh hơn ở đường bay tầm trung, các hãng hàng không giá rẻ cũng có "sức khỏe tài chính" trước COVID-19 tốt hơn nhiều so với các hãng hàng không truyền thống và đây cũng là một lợi thế của họ. Ông Hue cho biết, từ cuối năm 2020, trong khi Air France-KLM, Lufthansa và British Airways vẫn đang trong tình trạng bấp bênh, thì Wizz Air thậm chí không đợi đến khi đại dịch kết thúc đã tăng số lượng "các thông báo về việc mở đường bay mới".

Hãng này không phải là duy nhất. Đối thủ của họ là Vueling, một công ty con giá rẻ của IAG (công ty mẹ của British Airways), đã tăng gấp ba lần số lượng các điểm đến từ sân bay Paris-Orly.

Mặt khác, khi bầu trời được mở rộng hoàn toàn, họ đã tận dụng được các lợi thế của mình để "thay thế các hãng truyền thống trên một số tuyến nhất định", ông Hue nhấn mạnh. Đây là trường hợp của Transavia France, một công ty con giá rẻ của Air France, đã tận dụng lợi thế từ đại dịch để chiếm lấy các điểm đến do công ty mẹ phục vụ trước đó.

Hãng hiện đã có đủ năng lực với một đội bay gồm 61 máy bay, so với con số khiêm tốn 38 chiếc vào năm 2019. Một sự phát triển cực kỳ nhanh đang mang lại kết quả. Trong tháng Bảy, Wizz Air đã vận chuyển hơn 4,7 triệu hành khách, nhiều hơn 1,8 triệu so với tháng 7/2019.

092005-anh-hang-hang-khong-easyjet-sap-xep-lai-cong-tac-van-hanh-sau-dich-covid-19-3772.jpg
Quảng cáo

Máy bay của hãng hàng không giá rẻ EasyJet tại sân bay Tegel,Berlin,Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá cả cạnh tranh

Phần thưởng cho kết quả hoạt động tốt một lần nữa lại thuộc về Ryanair. Là hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất ở châu Âu trước khi khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 xảy ra, Ryanair cũng là hãng chuyên chở nhiều hành khách nhất. Chỉ trong tháng Bảy, đã có 16,8 triệu hành khách được ‘‘nhồi nhét’’ trong các máy bay có màu xanh lam, trắng và vàng, với tỷ lệ lấp đầy đạt 92%. Một kỷ lục khiến đối thủ Air France phải dè chừng vì mặc dù hãng này cũng đã vận chuyển 17,4 triệu hành khách, nhưng là trong sáu tháng (từ tháng 1-6/2022).

Nghịch lý thay, lạm phát cũng góp phần vào thành công của họ. Ông Hue phân tích, hiện nay "người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến giá vé nên chọn các hãng giá rẻ hơn là các hãng truyền thống". Được đánh giá bằng thước đo này, Ryanair, Wizz Air và các hãng hàng không giá rẻ khác là "bất khả chiến bại".

Tại châu Âu, với một khoảng cách tương đương, chi phí trên mỗi km cho một hành khách là 9 xu euro (8,9 xu Mỹ) ở Air France, so với 5 xu ở EasyJet, và thậm chí chỉ 3 xu đối với Ryanair. Mức giá "rẻ" này cho phép hãng Ireland lấp đầy khoang hành khách của mình và "bỏ túi" 170 triệu euro lợi nhuận trong quý 2 năm 2022.

Các hãng bay khác không phải tất cả đều đã có lợi nhuận dương như như vậy. Đó là trường hợp của easyJet. Bất chấp 22 triệu lượt hành khách được vận chuyển từ tháng 4-6/2022, gấp 7 lần so với cùng thời điểm năm 2021, hãng hàng không Anh này vẫn lỗ 114 triệu bảng Anh (133 triệu USD).

"Mặc dù phải chịu lỗ trong quý này do xáo trộn hoạt động của hệ thống trong ngắn hạn, xu hướng đi lại được hồi phục với quy mô lớn đã chứng minh rằng các sáng kiến chiến lược được đưa ra trong thời kỳ đại dịch đang mang lại kết quả không chỉ cho đến hiện nay mà còn trong tương lai", nhà quản lý từ easyJet giải thích.

Thực tế, mùa Hè năm nay hành khách đã trở lại. Chủ yếu là khách du lịch và nhóm khách hàng có chung sở thích bay giá rẻ, hai đối tượng chính của máy bay giá rẻ. Ông Hue cho biết: "Bị ảnh hưởng bởi lạm phát và hạn chế do dịch bệnh, người dân ít đi du lịch xa và thích các điểm đến có đường bay trung bình’’.

Được hành khách ưa chuộng, các hãng hàng không giá rẻ vẫn thận trọng khi nhìn về tương lai. "Vấn đề tuyển dụng, cuộc xung đột ở Ukraine, lạm phát và giá nhiên liệu" vẫn khiến họ phải quan tâm lo lắng.

Trả giá về mặt xã hội

Dự báo trong thời gian tới, giá vé hàng không giá rẻ sẽ tăng dần. Rất nhiều yếu tố khiến các hãng hàng không phải tăng giá vé để duy trì hoặc phục hồi lợi nhuận. Với các điểm khởi hành từ Pháp, trong tháng Bảy giá vé đã tăng 43,5% so với cùng thời điểm trong năm 2021. Mức tăng thậm chí là 54,5% đối với các điểm đến nội địa ở châu Âu, nơi họ chiếm lĩnh thị trường.

Michael O'Leary, Tổng Giám đốc của Ryanair, thậm chí còn dự đoán việc chấm dứt của vé siêu giảm giá. "Tôi nghĩ rằng sẽ không còn loại vé 10 euro nữa vì giá dầu cao hơn nhiều kể từ xung đột Nga-Ukraine... Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không còn thấy những mức giá này trong một vài năm nữa", ông khẳng định trên sóng của đài phát thanh Anh BBC4 trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Trong trung hạn, sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ sẽ tiếp tục. Tại châu Âu, thị phần của họ đã tăng lên đạt 47,3% trong mùa Hè này, so với 41,5% vào năm 2019. Ảnh hưởng bởi khủng hoảng, các hãng có "giá siêu thấp" như Ryanair hoặc Wizz Air, tức là các công ty có giá vé thấp nhất, sẽ được lợi nhiều nhất. Ngược lại, easyJet tập trung phát triển một phần vào khách hàng doanh nghiệp cho đến nay vẫn chưa tìm thấy đường bay với số lượng khách hàng lớn.

Sự bùng nổ này cũng phải trả giá đáng kể về mặt xã hội. Nếu sự thiếu hụt phi công cho phép phi hành đoàn được hưởng lợi do sự cân bằng quyền lực, thì điều này không đúng với các dạng nhân viên khác của hãng như tiếp viên và nhân viên mặt đất.

Hoạt động của Volotea, Ryanair hoặc easyJet đã bị ảnh hưởng trong những tuần gần đây bởi nhiều cuộc đình công nổ ra. Các nhân viên đang đòi tăng lương. Phải nói rằng mức lương hiện nay đang là quá thấp, như tại Ryanair lương cơ bản của một tiếp viên không vượt quá 854 euro mỗi tháng và được cộng thêm 8,50 euro mỗi giờ bay. Tổng cộng một tiếp viên đôi khi chỉ kiếm được 1.200 euro một tháng.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Giới siêu giàu Hàn Quốc lựa chọn đầu tư an toàn hơn vào năm 2025

Một báo cáo công bố ngày 22/12 cho hay, giới siêu giàu Hàn Quốc, chiếm chưa đến 1% dân số nước này, đang lựa chọn các lựa chọn đầu tư rủi ro thấp vào năm tới do tình hình kinh tế không chắc chắn.

Xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc lập kỷ lục mới Chứng khoán Seoul trượt dốc do căng thẳng chính trị tại Hàn Quốc

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro