Vụ kiện Temu-Shein đệ trình hồi tháng 7 tại tòa án liên bang Massachusetts (Mỹ) đã nhấn mạnh diễn biến leo thang trong cuộc chiến pháp lý kéo dài suốt nhiều tháng giữa hai công ty thời trang mới nổi. Họ cùng nhau cáo buộc các thủ đoạn của đối thủ, trong đó có việc ép các bên cung cấp chọn phe và vi phạm bản quyền.
Theo WSJ, tranh chấp cũng đang diễn ra ở Trung Quốc - nơi Temu và Shein đặt hầu hết chuỗi cung ứng và văn phòng hỗ trợ. Các công ty đều đấu tranh giành nhà cung cấp và nhân công để có được hàng hóa giá rẻ phục vụ phân khúc người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm tại Mỹ.
Cả Shein và Temu đều tìm cách tách mình khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng còn giới lập pháp Mỹ thúc đẩy lệnh cấm toàn diện đối với các ứng dụng Trung Quốc. Shein vội chuyển trụ sở chính từ thành phố Nam Kinh đến Singapore, trong khi Temu ‘thủ tiêu’ khỏi trang web các đề cập liên quan đến công ty mẹ PDD có trụ sở tại Thượng Hải.
Trong vụ kiện gần đây nhất của Temu chống lại Shein tại tòa án liên bang Boston, công ty cáo buộc hãng bán lẻ thời trang trực tuyến ký thỏa thuận độc quyền với các nhà sản xuất quần áo Trung Quốc ký, thậm chí đe doạ phạt họ nếu chuyển sang làm việc với Temu. Temu cũng cho rằng Shein ngấm ngầm gửi thông báo vi phạm bản quyền giả mạo để làm gián đoạn hoạt động bán hàng của đối thủ.
Đáp lại, đại diện Shein cho biết: “Chúng tôi tin rằng vụ kiện này là vô căn cứ và chúng tôi chắc chắn sẽ bảo vệ chính mình”.
Tham vọng độc quyền đã từng là thông lệ của một số gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc. Vào năm 2021, cơ quan quản lý nước này đã áp đặt mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD đối với Alibaba và 533 triệu USD đối với gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan, cáo buộc rằng hai gã khổng lồ này vi phạm hoạt động chống độc quyền. Cả hai khi đó đều chấp nhận án phạt.
Shein, ra mắt lần đầu tại Mỹ vào năm 2017, đã nổ phát súng pháp lý đầu tiên vào tháng 12 tại tòa án liên bang ở Illinois, cáo buộc rằng Temu đánh cắp nhãn hiệu và hình ảnh có bản quyền của Shein, thậm chí mạo danh Shein trên mạng xã hội. Hãng cũng kiện Temu, cho rằng Temu thuê KOLs “đưa ra thông tin sai lệch” về Shein để quảng bá hàng hóa của mình. Ví dụ như: “Shein không phải là lựa chọn giá rẻ duy nhất cho quần áo! Hãy đến Temu.com, các lựa chọn sẽ rẻ hơn và chất lượng hơn”.
Phía Temu “bác bỏ mạnh mẽ mọi cáo buộc”. “Các cuộc tấn công leo thang của Shein khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện biện pháp pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi công ty, bao gồm quyền của những thương nhân cũng như quyền của người tiêu dùng”, đại diện Temu nói.
Cuộc chiến mua sắm giá rẻ tại Mỹ: Shein và Temu đang cạnh tranh gay gắt.
Ngoài ra, trong đơn khiếu nại, Temu cũng cáo buộc phía đối thủ nhiều lần vi phạm bản quyền “làm gián đoạn việc bán các sản phẩm được trưng bày trên Temu”. Kết quả là hơn 10.000 sản phẩm đã rút khỏi sàn thương mại của Temu kể từ tháng 10 năm ngoái.
“Những vụ kiện ăn miếng trả miếng giữa Shein và Temu đã làm suy yếu nỗ lực của cả hai nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, Kevin Xu, một nhà đầu tư công nghệ nói.
Shein, giao hàng tới hơn 150 quốc gia, gần đây được định giá 66 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ khi Temu xuất hiện, Shein liên tục để mất thị phần tại Mỹ.
Dẫu vậy, theo Phó chủ tịch điều hành Donald Tang, tăng trưởng doanh số bán hàng của Shein đã tăng tốc trong nửa đầu năm 2023 so với nửa cuối năm 2022. Shein cũng ghi nhận thu nhập nửa đầu năm cao nhất trong lịch sử phát triển.
Thành công của Shein bắt nguồn từ chuỗi cung ứng linh hoạt, đặt hàng số lượng nhỏ để kiểm tra nhu cầu của thị trường và chỉ bổ sung khi có lượng cầu cần thiết. Gần đây, hãng đã mạo hiểm vượt ra ngoài lĩnh vực thời trang & phong cách sống, đồng thời áp dụng mô hình thị trường tương tự Temu cho các mặt hàng giá trị lớn và sản phẩm gia dụng.
Trong khi đó, cơ sở người dùng hàng tháng của Temu tại Mỹ đã tăng gấp 3 lần so với Shein, theo công ty tư vấn chuyên sâu về thiết bị di động GWS. Người dùng Temu dành ra trung bình 23 phút/ngày cho ứng dụng, trong khi người dùng Shein là 15 phút.
Hai nền tảng ráo riết săn tìm nhân tài của nhau, đặc biệt là những lao động từng đảm nhận các vị trí vận hành và chuỗi cung ứng. Số lượng nhân viên của PDD, bao gồm Temu và nền tảng chị em Trung Quốc Pinduoduo, là 13.000 người vào cuối năm 2022. Trong khi đó, Shein có hơn 11.000 công nhân.
Có thể nói, Shein và Temu đang dần đánh bại những ông lớn trong ngành như Zara và H&M bằng phương pháp nghiên cứu sản phẩm kỹ lưỡng cùng rất nhiều mặt hàng đa dạng. Theo phân tích từ Bloomberg Second Measure, Shein đã vượt qua hai gã khổng lồ Zara và H&M tại thị trường Mỹ trong thời kỳ đại dịch, trong khi Temu giành được một vị trí vững chắc dù mới ra mắt năm ngoái.
Theo các chuyên gia, 10 năm trở lại đây, tất cả các nền tảng TMĐT Trung Quốc đều sử dụng chiến lược giá thấp để bước đầu thâm nhập thị trường nước ngoài dựa trên lợi thế chuỗi cung ứng trong nước. Mục đích chủ yếu là giành được thị phần lớn nhất có thể trong thời gian ngắn.
Amazon vốn là nền tảng TMĐT với sản phẩm rất đa dạng. Công ty có hậu cần, kho bãi, song lại không thể quản lý chuỗi cung ứng thời trang nhanh một cách hiệu quả. Trong khi đó, các đối thủ của nền tảng đang làm rất tốt nhiệm vụ này.