Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh ngày 8/4 đã ký Tờ trình gửi tới Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tại văn bản trên, đề cập đến vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị không quy định về niên hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
“Đây là vấn đề nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn những ý kiến chưa thống nhất, đồng thuận, nhất là đối với phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn”, Bộ Xây dựng nhấn manh.
Cũng tại văn bản trên, đơn vị này đề nghị, các nội dung quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư cũng như xử lý sau khi nhà chung cư hết thời hạn và vấn đề phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại chung cư được đưa xuống Chương V (Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư) từ Điều 60 đến Điều 72 của dự thảo Luật để giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay”
Trước đó, tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) diễn ra chiều 17/3, đa số đại biểu không tán thành với quy định này.
Tại cuộc họp trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn bởi chính sách này chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm pháp luật quốc tế về thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng cho thấy không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật.
Liên quan đến việc này, trước đó, từ 6/9-6/11/2022, Bộ Xây dựng đã tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo đó, tại dự thảo lấy ý kiến lần thứ 2, đề cập đến vấn đề sở hữu chung cư, dự thảo bổ sung mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà chung cư; xử lý khi nhà chung cư còn thời hạn sở hữu; xử lý nhà chung cư khi hết thời hạn sở hữu.
Cụ thể, đối với quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án.
Phương án 1, bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng (sở hữu có thời hạn).
Phương án 2, thời hạn sở hữu nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai (sở hữu lâu dài).
Tuy nhiên, khi trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan này rút lại còn một phương án, đó là quy định sở hữu chung cư có thời hạn. Lý do, Luật Nhà ở năm 2014 đã có quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư, hết thời hạn sử dụng nhà chung cư mà không còn đủ điều kiện an toàn sử dụng thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại.
Tuy nhiên, trong thời gian qua việc phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các địa phương, nhất là hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM vẫn còn rất chậm và còn gặp nhiều khó khăn.
Theo tờ trình, một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư là do pháp luật về nhà ở không có quy định về việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn, do đó không thực hiện việc di dời, phá dỡ ngay cả khi nhà chung cư không còn đủ điều kiện an toàn sử dụng.
"Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho người sử dụng và quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư”, dự thảo luật nhấn mạnh.