Theo đó, khi bàn về mức thu thuế thu nhập cá nhân người dân phải nộp khi chuyển quyền sử dụng đất tại Việt Nam hiện nay, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng còn quá nhiều vấn đề bất cập đặt ra cần sớm được giải quyết.
Thứ nhất, về mức thu, theo GS. Võ, mức thu 2% trên giá trị hợp đồng mua bán công chứng hiện nay đang tồn tại nghịch lý vừa cao, vừa thấp.
Theo đó, nếu tính theo định mức tuyệt đối thì mức thu thuế 2% giá giao so với thông lệ các nước phát triển là quá cao. Bên cạnh đó, việc chưa có cơ chế phân định rạch ròi giữa việc chuyển quyền sử dụng đất do nhu cầu ở thực của người dân với chuyển quyền phục vụ mục đích kinh doanh, đầu cơ buôn bán nhà đất, tất cả đều “bằng đầu như trên” thu 2% là chưa hợp lý.
Từ lập luận trên, GS. Võ cho rằng cần giảm mạnh định mức thu thuế thu nhập cá nhân khi chuyển quyền sử dụng đất phục vụ mục đích dân sự, mua đất ở do chuyển công tác, chuyển chỗ ở cần phải giảm sâu, có thể chuyển về 0,2% giá trị chuyển quyền. Khi đó, người dân sẽ viết trên hợp đồng giá giao dịch thật trên thị trường.
Đối những trường hợp đặc biệt, như chuyển quyền để đầu cơ thì cần tỷ suất thuế riêng để điều chỉnh nhằm đánh thuế cao với trường hợp lướt sóng. Do đó, cần cơ chế để phân biệt chuyển quyền do thương mại hay dân sự.
Thứ hai, theo GS. Võ, mức thu 2% như đã nói ở trên tuy là quá cao nhưng thực ra lại là quá thấp do nó được tính dựa trên một Bảng giá đất quá “lỗi thời”, không mang tính thị trường.
Hiện nay, xuất phát từ việc chưa có giá nào được xác định là giá thị trường phù hợp đã dẫn đến tình trạng người dân mua bán nhà đất 2 giá do theo quy định của Luật thì mức thuế thu nhập từ chuyển quyền là 2%, khi giá trên hợp đồng cao hơn Bảng giá Nhà nước quy định thì tính theo hợp đồng, còn khi giá trên hợp đồng thấp hơn giá Nhà nước thì lại tính theo giá Nhà nước.
GS. Võ cho rằng, chính sự “lùng nhùng” nói trên đã dẫn đến tình trạng bản thân các cơ quan thuế địa phương cũng “hoa mắt, chóng mặt” khi bên trên thì chỉ đạo phải thu đủ theo giá giao dịch thật, tức giá thị trường, còn giá thị trường là bao nhiêu thì lại chưa biết tìm ở đâu. Trong khi đó, với cơ chế hiện nay, người dân sẽ có tâm lý cho rằng “nhà nước khôn quá” khi khai cao hơn giá quy định thì thu thuế theo giá cao luôn nhưng khai thấp lại bắt theo Bảng giá. Do đó, việc khai 2 giá của người dân khi mua bán nhà đất thời gian qua có thể xem là điều khó tránh khỏi.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, cần sớm có những biện pháp nhằm tháo gỡ tận gốc bất cập “vừa cao, vừa thấp” nói trên nhằm hướng đến một thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Theo đó, vấn đề “cốt yếu” theo GS. Võ là cần quy định thuế thu nhập cá nhân khi chuyển quyền sử dụng đất và các loại thuế liên quan khác theo Bảng giá do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp tương đối với giá thị trường và được xác định một cách khoa học, tự động.
Từ thực tiễn, GS. Võ cho rằng tại các nước phát triển đều đã sử dụng máy tính, thuật toán để tự động hóa công tác xác định giá đất. Với một hệ thống dữ liệu tập trung, máy tính sẽ từ cơ sở dữ liệu đó để tính ra tại bất kỳ thời điểm nào giá của bất kỳ thửa đất nào, vị trí cụ thể với độ chính xác theo thông lệ quốc tế khoảng 70-80%.
Tại Việt Nam, theo GS. Võ, trước khi có cơ chế để liên thông được cơ sở dữ liệu của hệ thống công chứng với các cơ quan khác để thu thập dữ liệu về giá giao dịch thì cần nâng cao vai trò của các địa phương trong việc xây dựng Bảng giá đất phù hợp và sát tương đối so với giá thị trường để thu thuế theo Bảng giá này. Một khi Nhà nước “sòng phẳng” thì chắc chắn người dân cũng như vậy với Nhà nước, GS. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.