Đó là thông tin được Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Hoàng Hải đưa ra tại buổi Họp báo thường kỳ quý IV/2023, do Bộ Xây dựng tổ chức chiều ngày 12/1,
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Hoàng Hải, trong năm 2023, cả nước có 44 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 36.262 căn, đã hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng.
Ngoài ra, trong năm 2023, trên địa bàn cả nước, có 27 tỉnh đã công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn lên tới 27.966 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản cho biết, trong số 44 dự án trên, có 28 dự án với quy mô 13.864 căn đã hoàn thành; 16 dự án đã được cấp phép, khởi công xây dựng với quy mô 22.398 căn.
Riêng trong quý IV/2023, trên địa bàn cả nước đã có 16 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, với quy mô 9.302 căn đã hoàn thành và cấp phép xây dựng. Trong số đó có 7 dự án với quy mô 4.019 căn đã hoàn thành; 9 dự án với quy mô 5.283 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng.
Về lũy kế thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, ông Hải cho biết qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến nay, trên cả nước đã có 495 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 402.898 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng.
Cụ thể, tính đến ngày 12/1/2024, cả nước đã hoàn thành 70 dự án với 35.566 căn; đã khởi công xây dựng 127 căn với quy mô 107.896 căn; có 298 dự án với quy mô 259.436 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.
Cũng theo ông Hải, về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, các địa phương và các chủ đầu tư nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ này; trong đó đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 27.966 tỷ đồng.
“Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương (TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bình Dương) được giải ngân với số vốn khoảng 179,5/1.095 tỷ đồng,” ông Hải cho biết thêm.
Năm 2023, ngành Xây dựng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ đề ra. Tại buổi Họp báo, Bộ Xây dựng cũng đã nhìn lại 10 điểm nhấn tiêu biểu ngành trong năm 2023, bao gồm: Quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới; Triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính sách phát triển nhà ở xã hội tiếp tục được đặt ở vị trí trung tâm, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau”; Linh hoạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đạt nhiều kết quả tích cực; Lần đầu tiên tổ chức thành công Triển lãm quốc tế Expo Kiến trúc tại Việt Nam; Tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng; Chuyển đổi số là điểm sáng; Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp với các Bộ quản lý công trình chuyên ngành và các chủ đầu tư, góp phần hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia; Tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp được chú trọng, đạt được kết quả đáng ghi nhận.