Trong bản tin thị trường vừa công bố, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết giá nhà tăng cao góp phần thúc đẩy xu hướng nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống không kết hôn, sinh con hay chọn lối sống "double income, no kids" (hai nguồn thu nhập, không con cái).
Bà Phạm Thị Miền - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam thuộc VARS, đánh giá các biện pháp thúc đẩy kết hôn trước 30 tuổi và khuyến khích sinh hiện nay "còn chung chung và khó có tác dụng như mong đợi".
Do đó, bà Miền đề xuất chính sách ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần với cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Thực tế, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 1/8 đã nới lỏng điều kiện mua nhà ở xã hội. Bởi quy định mới không còn yêu cầu điều kiện cư trú, chỉ nêu một số điều kiện về nhà ở và thu nhập như thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức...
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cũng được bổ sung thêm trường hợp là thân nhân liệt sĩ; công chức, viên chức quốc phòng; người làm công tác cơ yếu; học sinh, sinh viên trường chuyên biệt; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất ưu tiên hỗ trợ mua nhà xã hội với vợ chồng sinh đủ hai con được đưa ra.
Tại cuộc họp các vấn đề kinh tế vào tháng 8 năm ngoái, Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất cặp vợ chồng sinh đủ hai con được ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần để họ an tâm sinh đẻ và nuôi dạy con cái.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh mức sinh xuống thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh đang lan rộng trong các đô thị. Theo Tổng cục Thống kê, số con trung bình của một phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 - mức thấp nhất từ trước đến nay, trong khi năm 1989 là 3,6.
Theo đó, tại TP. HCM, mức sinh giảm rõ rệt từ 1,42 con trên một phụ nữ năm ngoái xuống 1,32 con năm nay. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại thành phố đạt 30,4, mức kỷ lục toàn quốc. Hệ lụy của xu hướng này là thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, giảm lực lượng và năng suất lao động, tạo gánh nặng an sinh xã hội. Nguyên nhân chính, theo VARS, đến từ vấn đề tài chính.
"Nỗi lo cơm áo gạo tiền này bị tác động rất lớn bởi giá nhà", bà Phạm Miền nhận định và cho rằng giá nhà ngày càng tăng cao, đẩy giá thuê tăng theo đã gây áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân. Tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng đã chiếm gần hết thu nhập khiến "nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ dám sinh một con hoặc trì hoãn việc sinh con".
Thực tế cho thấy, tại TP. HCM giá nhà đã liên tục tăng cao, lập đỉnh mới trong giai đoạn 2016-2018. Cũng trong giai đoạn này, chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) của thành phố dẫn đầu cả nước. Tương tự, từ năm 2019, khi giá nhà TP HCM tăng trưởng chậm lại, giá nhà tại Hà Nội lại liên tục tăng cao.
Ngoài chính sách ưu tiên mua nhà ở xã hội với cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chuyên gia VARS cũng đề xuất Nhà nước nghiên cứu chính sách can thiệp để phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền - chìa khóa giải quyết bài toán "ngại cưới, lười sinh".
Theo VARS, phân khúc này sẽ do các doanh nghiệp phát triển, dựa trên cơ sở lợi nhuận ở mức độ hợp lý do Nhà nước kiểm soát để giải quyết tình trạng nhà ở thương mại vừa túi tiền hoàn toàn vắng bóng tại hai đô thị đặc biệt.
Cụ thể, theo dữ liệu khảo sát của VARS, hơn 80% nguồn cung căn hộ mở bán mới tại Hà Nội và TP. HCM trong nửa đầu năm 2024 là thuộc phân khúc cao cấp trở lên (giá trên 50 triệu đồng một m2).