Nghị định tạo cú hích về nhà ở xã hội
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc Chính phủ ban hành Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tại Nghị định 100/2024/NĐ-CP, ngày 29/7 là một bước quan trọng, tạo “cú hích” mới khơi thông nhà ở xã hội.
Nghị định 100/2024/NĐ-CP đã quy định chi tiết khoản 2 Điều 83 Luật Nhà ở 2023, hướng dẫn UBND cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH). Hoặc bố trí quỹ đất NƠXH đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại đô thị đó.
Luật cũng quy định chủ đầu tư có thể đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, căn cứ quy định của Chính phủ bảo đảm thuận lợi trong quá trình triển khai. Quy trình thực hiện thủ tục đầu tư dự án NƠXH cũng được rút gọn đáng kể, giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện dự án.
Khoản 2 Điều 22 của Nghị định đã xác định chi tiết các thành phần cấu thành tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích NƠXH. Đây là căn cứ để tính khoản lợi nhuận tối đa bằng 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích NƠXH theo Luật Nhà ở 2023.
Đồng thời, chủ đầu tư dự án còn có thể có thêm khoản lợi nhuận từ phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại - chiếm tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Đối với việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH thông qua hình thức đấu thầu, Khoản 5 điều 21 của Nghị định cũng đã quy định rõ ràng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH.
Bên cạnh các quy định khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực NƠXH, Nghị định 100/2024/NĐ-CP cũng đã quy định chi tiết những điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH theo hướng nới lỏng hơn cho những người có nhu cầu chính đáng tiếp cận loại hình nhà ở này.
Điều kiện được nới lỏng
Đối với các điều kiện được hưởng chính sách NƠXH, Khoản 1 Điều 29, Nghị định 100 quy định, trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của đối tượng đó (nếu có) không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi có dự án NƠXH đó tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Điều này có nghĩa là, các đối tượng được quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật Nhà ở mà chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi có dự án NƠXH sẽ được mua, thuê mua và thuê.
Như vậy, người có nhu cầu mua NƠXH, đang sinh sống cùng gia đình đông thế hệ, sẽ không phải mất thời gian đi tách khẩu để được chính quyền xác nhận là chưa có nhà. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng có cơ sở pháp lý thực hiện và loại bỏ được tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của cán bộ quản lý địa phương trong việc xác nhận về sở hữu nhà của người dân.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định thời hạn thời gian các cơ quan có thẩm quyền phải xác nhận thông tin về sở hữu nhà ở của người đăng ký và điều kiện thu nhập. Điều này trả lời cho câu hỏi “bao giờ được xác nhận của người dân".
Cụ thể, trong thời hạn 7 ngày, văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ phải xác nhận thông tin của người đăng ký không sở hữu nhà và không có tên trong sổ đỏ tại tại địa phương, nơi có dự án NƠXH. Và cũng trong thời hạn 7 ngày, UBND cấp xã sẽ xác nhận điều kiện về thu nhập cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua NƠXH.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, thành viên tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS, Tổng giám đốc G-HOME, theo luật mới, các chủ đầu tư NƠXH không còn phải bắt buộc dành ra 20% phần diện tích để cho thuê, sau 5 năm mới được bán. Điều này giúp “cởi trói” rất lớn do đơn giá cho thuê, hiện được công khai trên các cổng thông tin, nhưng vẫn đắt hơn mặt bằng giá người dân tự cho thuê, chưa kể thủ tục pháp lý rất phức tạp. Việc mua bán hay cho thuê nên để thị trường tự quyết định, sẽ giúp các chủ đầu tư thêm tự tin hơn trong phát triển NƠXH.
Nghị định 100/2024/NĐ-CP cũng quy định, đối với các đối tượng quy định tại các khoản 5, 6 và 8 Điều 76 của Luật Nhà ở thì phải bảo đảm điều kiện về thu nhập. Theo đó, điều kiện về thu nhập được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội chính thức được “nới lỏng".
Người lao động có thu nhập không quá 15 triệu đồng sẽ được mua, thuê, thuê mua NƠXH, thay vì tối đa 11 triệu đồng như quy định trước đó. Trường hợp người đứng đơn đã kết hôn, điều kiện thuê, mua loại nhà này là vợ chồng có thu nhập tối đa 30 triệu đồng một tháng tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị định mới bỏ điều kiện về hộ gia đình phải có hộ khẩu hay đăng ký tạm trú khi đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội tại các địa phương.
Nguồn cung nhà ở hai đô thị lớn vẫn khó
Trường hợp đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn 15 m2/sàn/người thì người dân vẫn được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
“Chúng tôi cho rằng, các quy định mới này là “thấu tình đạt lý", phù hợp với kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, nhất là người dân có thu nhập trung bình, nộp thuế cho Nhà nước”, Chủ tịch VARS khẳng định.
Các quy định các quy định mới này sẽ khuyến khích ầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội, phần nào giải quyết thực trạng "vừa thiếu vừa ế" của phân khúc nhà ở xã hội như thời gian vừa qua, nhất là tại các tỉnh, thành phát triển gắn liền với khu công nghiệp, có lượng lao động nhập cư lớn.
Tuy nhiên, VARS cho rằng, tại 2 đô thị đặc biệt, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn “khó". Theo đó, số lượng nhà ở xã hội đăng ký mục tiêu phát triển nhà ở năm 2024 tại 2 thành phố này rất nhỏ.
Do đó, VARS cho rằng, để phát triển phân khúc NOXH, nhất là tại 2 đô thị đặc biệt, ngoài việc sớm thông qua Gói tín dụng 140 nghìn (có thêm 4 ngân hàng thư¢ng mại cổ phần tư nhân khác cũng đăng ký tham gia với 5.000 tỷ đồng/ngân hàng) đã điều chỉnh theo hướng thực sự ưu đãi hơn. Cơ quan quản lý Nhà nước cần giám sát chặt chẽ, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các quy định mới. Tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội đã khởi công tại các thành phố có nhu cầu về nhà ở lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Đồng thời, để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chính sách, tránh lợi dụng chính sách, tiêu cực, cần công khai, minh bạch việc mua, bán nhà ở xã hội, giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Tại 2 đô thị đặc biệt, để có quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cần có thêm sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước. Quy hoạch bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu rất lớn của thành phố.