Ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ +/-3% lên +/-5%, có hiệu lực ngay lập tức.
Ngay sau động thái đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên mức 24.320 đồng (+6,5% so với đầu năm) vào ngày 17/10.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do NHNN ấn định cho cặp tỷ giá USD/VND ở mức 23.586, tăng 1,1% so với tháng trước (+2,0% so với cùng kỳ) trong khi tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng 1,3% so với cuối tháng 8 năm 2022 (+4,0% so với đầu năm).
Tuy nhiên, so với các đồng tiền trong khu vực, VND vẫn là đồng tiền ổn định nhất. Kể từ đầu năm 2022 (dữ liệu tính đến ngày 17/10/2022), hầu hết các đồng tiền trong khu vực đã giảm hơn 8% so với USD, bao gồm Peso Philippine (-15,7% so với USD), Baht Thái Lan (-14,8% so với USD), Nhân dân tệ của Trung Quốc (-13,4% so với USD), Ringgit Malaysia (-13,2% so với USD) và Rupiah Indonesia (-8,6% so với USD).
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu – Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, các yếu tố đã hỗ trợ giá trị của VND trong năm nay bao gồm:
Thứ nhất, không giống như hầu hết các nước trên thế giới, chúng ta có lãi suất tiền gửi thực dương (lãi suất tiền gửi cao hơn mức lạm phát 4% hiện tại).
Thứ hai, chúng ta có tăng trưởng xuất khẩu ổn định (mặc dù có dấu hiệu giảm gần đây), nên trong 9 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của chúng ta đạt 6,8 tỷ USD. Thứ ba, dòng vốn FDI vẫn rất mạnh, đã tăng 16% trong 9 tháng 2022.
Cuối cùng, Việt Nam chúng ta là một trong số nước hiếm hoi có thặng dư ngân sách (khoảng 3% GDP) trong 9 tháng 2022. Với tất cả những yếu tố tích cực hỗ trợ cho VND, chúng tôi kỳ vọng VND sẽ duy trì ở mức tương đối bền vững so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, cũng không nằm ngoài xu hướng của các nước trong khu vực, chúng ta cũng chịu áp lực giảm giá tiền Đồng trong 2 tháng cuối năm nay.
Theo đó, lãnh đạo VinaCapital cho rằng, nếu Fed tăng lãi suất thêm 1,5% cho đến cuối năm 2022 thì lãi suất VND có thể sẽ cần phải tăng thêm ít nhất 0,5% - 1% nữa.
Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích tại VNDirect trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới phát hành cũng cho rằng, tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phải bán bớt một phần dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.
“Theo ước tính của chúng tôi, dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống còn khoảng 3,0 tháng nhập khẩu (~89 tỷ USD) so với mức 3,9 tháng vào cuối năm 2021. Do đó, chúng tôi cho rằng NHNN có ít dư địa để hỗ trợ tỷ giá hối đoái hơn so với trước đây trong trường hợp đồng USD tiếp tục mạnh lên trong những tháng cuối năm 2022”, các chuyên gia nhận định.
Do đó, VNDirect dự báo VND có thể mất giá khoảng 6-8% so với USD trong năm 2022.
Đối với năm 2023, các chuyên gia kỳ vọng áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể và Việt Nam Đồng sẽ tăng giá 1-2% so với USD trong năm 2023 nhờ 4 nguyên nhân.
Thứ nhất, Fed sẽ chuyển từ "thắt chặt chính sách tiền tệ" sang "bình thường hóa" vào năm tới.
Thứ hai, Fed có khả năng giảm nhẹ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023.
Thứ ba, lãi suất VND có xu hướng tiếp tục tăng lên trong năm 2023.
Và cuối cùng, bộ đệm từ thặng dư thương mại và thặng dư cán cân thanh toán tốt hơn trong năm 2023.