
Dấu mốc ấn tượng
Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 12.245 tỷ đồng, tăng 61,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh 63% so với cùng kỳ, đạt 9.871 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cao nhất lịch sử của nhà băng này và gấp rưỡi đỉnh cũ gần 6.500 tỷ đồng hồi quý I/2021.
Đây là một dấu mốc ấn tượng, giúp ngân hàng này không chỉ củng cố vị thế trong ngành mà còn đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc cạnh tranh của hệ thống ngân hàng. Các chuyên gia đánh giá, VietinBank sẽ là đối thủ vô cùng đáng gờm trong ngành Ngân hàng thời gian tới.
Yếu tố đóng góp vào sự tăng trưởng ấn tượng của VietinBank vẫn là thu nhập lãi thuần tăng trưởng ổn định. Trong quý IV/2024, thu nhập lãi thuần của VietinBank đạt 16.312 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh hiệu quả trong việc quản lý tài sản và tối ưu hóa danh mục cho vay của ngân hàng.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng là một trong những điểm sáng trong báo cáo tài chính của VietinBank với việc giảm gần 45% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn 2.464 tỷ đồng. Việc này cho thấy chất lượng tín dụng được cải thiện và khả năng quản lý rủi ro hiệu quả của ngân hàng.
Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh khác cũng đóng góp vào sự tăng trưởng, như hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 38%, đạt 1.240 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động khác tăng 65%, đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
Lũy kế cả năm 2024, VietinBank thu được hơn 31.758 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 27% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt gần 30.361 tỷ đồng, tăng 25%.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank trong năm 2024 chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần; góp vốn, mua cổ phần và nguồn thu nhập khác khi tăng trưởng hai con số lần lượt là 17,8%, 36% và 45,8%.
Năm 2024, VietinBank đặt kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ trước thuế tăng 9% so với kết quả 2023, đạt 26.300 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đã vượt 15% mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm.
Tổng tài sản VietinBank tính đến cuối năm 2024 tăng trưởng 17% so với đầu năm, lên gần 2,4 triệu tỷ đồng.
Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng của VietinBank tăng trưởng 16,8% so với năm 2023. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2023. Quy mô tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng đột phá 30% so với bình quân năm 2023. Tỷ trọng CASA đạt 24,1% vào cuối năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,25%.

Cấp thiết nhu cầu tăng vốn
Dù lợi nhuận xếp ở top cao, nhưng vốn điều lệ của VietinBank vẫn thấp hơn so với nhiều ngân hàng tư nhân như VPBank, MB hay Techcombank.
Mặc dù đã trình phương án và đề xuất khá lâu nhưng tiến trình tăng vốn tại VietinBank cũng diễn ra khá chậm.
Lần chia cổ tức gần nhất của "ông lớn" này là vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả là lợi nhuận còn lại của năm 2020, giúp vốn điều lệ tăng lên 53.700 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo VietinBank đã trình cổ đông phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 là hơn 13.900 tỷ đồng để chia cổ tức và tăng vốn điều lệ.
"Ngân hàng kỳ vọng là sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng phương án cuối cùng vẫn theo việc phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước", ông Trần Minh Bình chia sẻ.
Chủ tịch Trần Minh Bình cũng cho biết, VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.
Nếu được chấp thuận và triển khai xong tất cả các kế hoạch nêu trên, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên trên 91.000 tỷ đồng.
VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Hiện nay VietinBank đang là ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có hệ số CAR thấp trong ngành ở mức 9,5%. Theo định hướng cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ CAR của các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021-2025 đạt 11-12% và đến năm 2030 tối thiểu là 12%. Vì vậy, để đạt hệ số CAR theo mức này, nhu cầu tăng thêm vốn của VietinBank là rất cấp thiết.
Đó là chưa kể, dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (đang lấy ý kiến) đề xuất quy định tỷ lệ CAR tối thiểu ở mức 10,5% đến năm 2033, trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.
Như vậy, để đáp ứng những mục tiêu trên, thì VietinBank phải đẩy mạnh lộ trình tăng vốn để nâng dần tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên mức 10,5% đến năm 2033, hoặc giảm hoạt động cho vay để thích ứng.