![Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng có thể giảm trong năm 2025](https://s-aicmscdn.nhipsongkinhdoanh.vn/nskd-media/25/2/14/dong-vnd_67aebfdf4f120.jpg)
Kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định
Theo báo cáo mới nhất từ VCBS, mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ giữ ổn định trong năm nay, dù có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương được nhận định đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn trong năm 2025. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng từ các doanh nghiệp và hộ gia đình được dự báo không có sự biến động mạnh, các ngân hàng có thể tiếp tục giữ lãi suất huy động ở mức ổn định để duy trì khả năng cung ứng tín dụng mà không làm ảnh hưởng đến chi phí vốn.
Tuy nhiên, xu hướng lãi suất huy động có thể có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Các ngân hàng quốc doanh nhiều khả năng sẽ duy trì lãi suất huy động ổn định nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có thể phải tăng nhẹ lãi suất huy động để thu hút vốn, đặc biệt là những ngân hàng có cơ cấu vốn kém linh hoạt và phụ thuộc lớn vào tiền gửi khách hàng.
Một yếu tố cần theo dõi là áp lực tỷ giá. Nếu có biến động, NHNN có thể sẽ linh hoạt điều tiết chính sách tiền tệ. Ngoài ra, vào cuối năm – thời điểm nhu cầu tín dụng tăng cao – có thể xuất hiện áp lực đẩy lãi suất huy động nhích lên, nhưng mức độ dự kiến không quá lớn.
Tương tự, lãi suất cho vay trung bình trong năm 2025 được kỳ vọng duy trì ổn định, dù có sự khác biệt giữa các nhóm ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh có thể tiếp tục giảm lãi suất đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN. Đồng thời, các gói tín dụng lãi suất ưu đãi có thể được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, lãi suất cho vay tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có thể tăng nhẹ trong trường hợp lãi suất huy động tăng và áp lực cạnh tranh tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là nhóm ngân hàng quy mô nhỏ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng yếu có thể tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, thậm chí phải chịu lãi suất cao hơn. Một số doanh nghiệp bất động sản cũng có thể đối diện với các điều kiện vay khắt khe hơn.
Với các đánh giá cập nhật về diễn biến, số liệu kinh tế thế giới giai đoạn gần đây cùng với các số liệu về tình hình kinh tế xã hội trong nước, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất nhìn chung sẽ ổn định đi ngang trong năm 2025. Trong đó, các biến số trong những tháng cuối năm thể hiện nhiều hơn các yếu tố bất định và khó dự báo hơn.
Lãi suất liên ngân hàng sẽ có xu hướng giảm
Thanh khoản hệ thống ngân hàng dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm 2025. Theo VCBS, yếu tố quan trọng chi phối điều tiết chính sách của NHNN chính là sự ổn định vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá.
Chẳng hạn, trong năm 2024, khi áp lực tỷ giá gia tăng, NHNN đã điều chỉnh chính sách để kiểm soát thanh khoản liên ngân hàng. Sau khi áp lực tỷ giá giảm, thanh khoản nhanh chóng trở lại trạng thái cân bằng.
Sang năm 2025, với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường ngoại tệ, thanh khoản liên ngân hàng có khả năng sẽ dồi dào hơn. Hơn nữa, dòng vốn đầu tư quốc tế vẫn tiếp tục tìm đến các quốc gia có nền kinh tế vĩ mô ổn định như Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh khoản hệ thống. Do đó, lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với năm trước.
Theo VCBS, các thời điểm lãi suất liên ngân hàng ghi nhận mức tăng, nếu có, sẽ chỉ xuất hiện quanh thời điểm Tết nguyên đán và ở thời điểm áp lực tỷ giá xuất hiện, sau đó lãi suất sẽ điều chỉnh trở lại về ngưỡng hợp lý hơn. Đồng thời, đối với thời điểm cuối năm, không loại trừ khả năng thanh khoản trên thị trường có thể bớt dư thừa đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn.