"Biến động tỷ giá là một rủi ro luôn phải đề phòng"

"Việc dần dần điều chỉnh tỷ giá từng bước trong giai đoạn từ tháng 01-8/2022 nằm trong kỳ vọng của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bước điều chỉnh vừa rồi có nhiều sự bất ngờ và vượt ra khỏi kỳ vọng...".

Đó là nhận định của bà Trần Thị Hà My, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Rồng Việt (VDSC), khi nhìn về biến động tỷ giá từ đầu tháng 10 đến nay.

Bà có bình luận gì về việc nới biên độ tỷ giá vừa qua?

Ngày 17/10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +/-3% lên +/-5%. Theo đánh giá của Rồng Việt, động thái điều hành này của NHNN là hành động tiếp nối theo sau một loạt biến động trước đó trên thị trường tiền tệ. Trong bối cảnh áp lực bên ngoài đối với tỷ giá chưa hạ nhiệt thì diễn biến bất ngờ của thị trường tiền tệ trong nước đã là cú huých dẫn đến việc NHNN phải đưa ra một số thay đổi với chính sách tỷ giá.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đã tăng rất mạnh trong nửa đầu tháng 10 và tiếp tục tăng nóng sau hành động điều chỉnh của NHNN. So với cuối tháng 9, tỷ giá liên ngân hàng đã tăng 4,2%. Theo đó, tiền đồng đã mất giá hơn 7% từ đầu năm đến nay. Tỷ giá tại Vietcombank ngày 19/10 đã tăng lên mức 24.650 đồng/USD, cao hơn 2,7% so với cuối tháng 9 và cao hơn 7,5% so với cuối năm 2021. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng đã vọt lên mức 24.720 đồng/USD, cao hơn 5,2% so với cuối năm 2021.

Xét ở góc độ các yếu tố bên ngoài, đồng USD vẫn đang neo cao ở mức 112,4, đồng thời áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp diễn sau khi số liệu lạm phát Mỹ tháng 9/2022 được công bố. Ngoài ra, tỷ giá USD/CNY mới đây cũng đã tăng vượt ngưỡng 7,2, đồng Nhân dân tệ theo đó đã mất giá hơn 13,3% so với đầu năm.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến biến động tăng của tỷ giá USD/VND từ đầu tháng 10 đến nay còn do biến động của thị trường tiền tệ trong nước qua vụ việc của Vạn Thịnh Phát và việc tiếp quản của NHNN đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Bởi lẽ, sự kiện trên đã khiến NHNN phải bơm ròng gần 102.000 tỷ đồng qua thị trường mở từ đầu tháng 10 đến nay để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Lượng dự trữ ngoại hối bán ra trong nửa đầu tháng 10 cũng thấp hơn đáng kể so với quy mô trong tháng 9. Diễn biến này một phần do dự trữ ngoại hối cũng đã mỏng đi đáng kể nhưng mặt khác chúng tôi cũng thấy rằng NHNN phải hạn chế việc bán ngoại tệ trong bối cảnh tình hình thanh khoản của hệ thống đang căng thẳng.

Trong ngày 17/10, NHNN cũng tiếp tục nâng giá bán USD cho các NHTM thêm 455 đồng lên 24.380 đồng/USD, đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp trong vòng 1 tháng. Điều này cũng là một thay đổi cho thấy sự sẵn lòng bán ngoại tệ để kiểm soát đà mất giá của VND không còn mạnh mẽ như giai đoạn trước.

Với diễn biến như trên, chúng tôi điều chỉnh kỳ vọng VND mất giá từ kịch bản 4-5% trong cả năm 2022 lên 7-8%. Trong kịch bản xấu hơn, chúng tôi cho rằng VND có thể mất giá 10% trong cả năm 2022.

“VND khó có thể thoát khỏi vòng xoáy mất giá”

Có ý kiến cho rằng biên độ biến động tỷ giá +/-3% đã có từ năm 2015 và trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần điều chỉnh cho phù hợp? Ý kiến của bà về điều này?

Biên độ tỷ giá là một công cụ được NHNN sử dụng từ trước đến nay trong điều hành tỷ giá hối đoái. Việc điều hành tỷ giá còn gắn với việc điều chỉnh tỷ giá trung tâm, vốn là tỷ giá tham chiếu để xác định mức giá sàn và trần của tỷ giá. Theo quan sát của chúng tôi, khi áp lực đối với tỷ giá gia tăng thì NHNN đều có hành động nới biên độ để ứng phó với các tác động bất lợi của thị trường quốc tế.

Quảng cáo

Nhớ lại lần điều chỉnh biên độ tỷ giá gần nhất là từ tháng 8/2015 khi NHNN lần lượt nới biên độ tỷ giá từ ±1% lên ±2% rồi ±3%, cũng gắn với việc phản ứng cho chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed. Đối với lần điều chỉnh lần này, chúng tôi cho rằng NHNN đã cố gắng kiểm soát đà mất giá VND suốt cả một giai đoạn trước đó (từ tháng 1/2022-tháng 8/2022), cho đến khi nhận thấy thông điệp “diều hâu” hơn từ Fed sau cuộc họp tháng 9/2022, kết hợp với chất xúc tác là vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước, dẫn đến việc NHNN phải nới biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5%.

Thực tế, chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed kết hợp với nhiều yếu tố về triển vọng kinh tế toàn cầu, lạm phát, chiến tranh,... đã đẩy đồng USD tăng kỷ lục và đồng tiền các quốc gia khác từ thị trường phát triển cho đến mới nổi đều đã mất giá rất mạnh từ đầu năm đến nay. Khi dự trữ ngoại hối Việt Nam đã thu hẹp đáng kể, VND khó có thể thoát khỏi vòng xoáy mất giá.

Nhận định của bà về khả năng điều chỉnh tiếp theo của tỷ giá VND/USD cũng như đường đi của lãi suất?

Như đã đề cập ở trên, Rồng Việt ước tính VND có thể mất giá từ 7-8%. Trong kịch bản xấu hơn, chúng tôi cho rằng có thể mất giá 10% trong cả năm 2022. Cần lưu ý rằng, mỗi lần VND mất giá mạnh thường kéo theo áp lực tăng giá đối với hàng hóa trong nước. Từ đầu năm đến nay, lạm phát Việt Nam cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng với kịch bản VND mất giá từ 7-10%, thì áp lực lạm phát sẽ dồn vào các tháng cuối năm và cả năm 2023.

Lạm phát đang là điểm neo cho kỳ vọng về lãi suất điều hành cũng như lãi suất chung của nền kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất điều hành có thể sẽ tiếp tục tăng trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023, mức tăng trong lần điều chỉnh tiếp theo có thể là 100 điểm cơ bản. Diễn biến sau đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng lạm phát và diễn biến giá cả trong nước.

Theo bà, cần những yếu tố, điều kiện gì để tỷ giá ổn định trở lại, hoặc có những điều chỉnh chính sách nào và vì sao?

Từ đầu năm đến nay, phần lớn áp lực lên tỷ giá USD/VND là do yếu tố bên ngoài gồm: 1) Chính sách tiền tệ của Fed nhằm đối phó với lạm phát; 2) Sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc; và 3) Chiến tranh Nga – Ukranie, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Tất cả điều này tạo ra xu hướng lên giá áp đảo của đồng USD đối với các đồng tiền còn lại.

Nhìn về tương lai, sự đảo ngược của xu hướng tăng giá đồng USD có thể là điều kiện để giúp tỷ giá trong nước ổn định trở lại. Xét về mặt thời điểm, quý 4/2022 có thể là một quý mất giá mạnh đối với tiền đồng, nhưng đồng thời áp lực từ các yếu tố kể trên có thể hạ nhiệt khi bước sang đầu năm 2023 khi 1) Fed đưa ra tín hiệu về việc dừng nâng lãi suất, 2) Trung Quốc mở cửa trở lại và 3) Mùa đông khắc nghiệt qua đi ở châu Âu.

Về cơ bản, NHNN đã và đang ứng phó với áp lực kể trên dựa trên nguồn lực hạn chế. Điểm sáng trong điều hành chính sách của năm 2022 đang là lạm phát, nếu kiềm giữ được lạm phát trong phạm vi cho phép trong năm 2023 thì cơ hội vượt qua thử thách sẽ lớn hơn.

Bà có khuyến nghị gì với nhà đầu tư và doanh nghiệp trong ứng xử với biến động tỷ giá hiện nay và tới đây?

Chúng tôi cho rằng việc dần dần điều chỉnh tỷ giá từng bước trong giai đoạn từ tháng 01-8/2022 nằm trong kỳ vọng của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bước điều chỉnh vừa rồi có nhiều sự bất ngờ và vượt ra khỏi kỳ vọng trước đó. Điều này thể hiện qua việc phản ứng tăng nóng của tỷ giá từ đầu tháng 10 đến nay diễn ra trên thị trường chính thức, tỷ giá trên thị trường tự do chỉ điều chỉnh theo sau. Trong kinh doanh hay đầu tư, yếu tố biến động bất ngờ và mạnh trong một thời gian ngắn của yếu tố vĩ mô như tỷ giá sẽ tạo ra khó khăn cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Chúng tôi cho rằng biến động tỷ giá luôn là một rủi ro nhà đầu tư và doanh nghiệp luôn phải đề phòng. Tuy nhiên, mức độ phòng ngừa rủi ro rất tùy thuộc vào kỳ vọng. Khi NHNN nới rộng biên độ giao dịch của tỷ giá USD/VND, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư và doanh nghiệp cần có phương án phòng ngừa biến động tỷ giá ở mức phòng thủ hơn.

Xin cảm ơn bà.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp Sao chép

Cùng chuyên mục Ngân hàng

Áp lực thanh khoản vơi bớt, đà tăng lãi suất huy động chững lại

Đà tăng của lãi suất huy động chững lại trong bối cảnh áp lực lạm phát và áp lực thanh khoản hệ thống đã vơi bớt sau những nỗ lực can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.

Loạt ngân hàng vào cuộc giảm mạnh lãi suất cho khách hàng chịu thiệt hại vì bão Yagi Khi nào tổ chức tín dụng được cho vay đặc biệt lãi suất 0%, không tài sản bảo đảm?

Khi nào tổ chức tín dụng được cho vay đặc biệt lãi suất 0%, không tài sản bảo đảm?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Quyết định về khoản vay đặc biệt với lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm để lấy ý kiến đóng góp từ các bên.

Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, Ngân hàng Nhà nước hút ròng lượng tiền lớn Loạt ngân hàng vào cuộc giảm mạnh lãi suất cho khách hàng chịu thiệt hại vì bão Yagi

Proparco nâng mức tài trợ cho HDBank lên 100 triệu USD, củng cố mục tiêu phát triển bền vững

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán: HDB) và Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp) đã ký kết Hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu USD.

HDBank muốn giảm room ngoại về 17,5% Các tổ chức quốc tế đánh giá cao chiến lược bán lẻ cộng hưởng số hóa của HDBank

Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất

Trong Báo cáo Tổng hợp thông tin hội viên tháng 8/2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, VPBank, Techcombank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, MB, Agribank, ACB, SHB, HDB... là những ngân hàng hội viên có quy mô điều lệ lớn nhất thị trường hiện nay.

Thay đổi nhân sự cấp cao tại nhiều ngân hàng Tiền gửi tại một ngân hàng giảm 25% trong nửa đầu năm 2024

Tiết kiệm xanh - Đón xe sang VinFast cùng Sacombank pay

Hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, từ ngày 12/9/2024 đến hết ngày 07/12/2024, Sacombank triển khai chương trình “Tiết kiệm xanh cùng Pay” trúng xe Vinfast và e-Voucher Lock&Lock dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm trực tuyến trên ứng

Chi phí dự phòng rủi ro giảm tới 64,6%, Sacombank bão lãi quý II/2024 tăng hơn 13% Sacombank 7 năm liên tiếp được vinh danh tại Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu