Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong ngày thứ Năm nói rằng Mỹ sẽ nối lại các cuộc đối thoại kinh tế với Trung Quốc ở một thời điểm phù hợp khi mà Bắc Kinh vẫn tiếp tục bán ra trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời Washington khẳng định phản đối việc vi phạm những biện pháp trừng phạt áp dụng với Nga.
Theo CNBC, bà Yellen nói với báo chí trong cuộc họp báo gần nhất như sau: “Tôi không có khung thời gian cụ thể để làm việc đó. Tuy nhiên tôi tin rằng thực sự cần làm như vậy và tôi hoàn toàn cởi mở với khả năng có các cuộc đối thoại như vậy”.
Bà Yellen nói rằng hiện có nhiều lĩnh vực mà Mỹ và châu Âu cần phải hợp tác với nhau để cùng giải quyết những thách thức toàn cầu trong đó bao gồm an ninh lương thực, nợ nần và biến đổi khí hậu.
Việc đối thoại tích cực giữa hai nước là then chốt để đảm bảo cho ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính trong nội địa cũng như hỗ trợ được nhiều hơn cho kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào ngày 18/1/2023 nhằm bàn thảo về chính sách kinh tế, cuộc gặp mà bà Yellen nói rằng “mang tính xây dựng”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đều kêu gọi về sự hợp tác khi họ có cuộc đối thoại trực tuyến vào tháng 11/2022.
Tuyên bố của bà Yellen được đưa ra trước thềm cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào mùa Xuân năm nay khi mà Nga đang cố gắng củng cố mối quan hệ với Trung Quốc.
Theo số liệu của Refinitiv, tổng giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc mua gom ước tính ở mức khoảng 862,3 tỷ USD, thấp nhất tính từ tháng 5/2010. Trong suốt năm 2022, tổng giá trị trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ giảm ước tính 173,85 tỷ USD.
Gần đây, có những diễn biến cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang tạm thời hạ nhiệt.
Các doanh nghiệp tại Trung Quốc giờ đây đã rõ ràng hơn về việc liệu họ có thể niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.
Mới đây, Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thông báo về những quy định mới yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ với các quy định an ninh quốc gia và bảo vệ dữ liệu cá nhân trước khi muốn niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài.
Quy định của cơ quan quản lý ngành chứng khoán không cấm mô hình sở hữu đặc biệt (VIE) vốn được các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng khi niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Cấu trúc VIE này tạo ra mô hình niêm yết thông qua một công ty vỏ bọc, thường có trụ sở tại Cayman Islands.
Cũng theo CSRC, quy định cho doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài dự kiến có hiệu lực từ ngày 31/3/2023. Quy định này giống như dự thảo từng được công bố vào cuối năm 2021, vốn không có ngày thực thi cụ thể.
Quy định mới nhất đồng thời kêu gọi các bên bảo lãnh IPO, thông thường là các ngân hàng đầu tư quốc tế, báo cáo thường niên cho CSRC về việc họ liên quan ra sao đến các đợt niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc.
CSRC cho hay các doanh nghiệp và cá nhân có thể bị phạt đến 10 triệu nhân dân tệ tức tương đương khoảng 1,5 triệu USD cho việc chia sẻ các thông tin gây hiểu nhầm hoặc vi phạm các quy định nói trên.
Trong vòng 2 năm gần nhất, nhiều cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc đã thông báo các quy định mới nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và dữ liệu cá nhân.
Đáng chú ý, sau đợt IPO đình đám của công ty sở hữu ứng dụng gọi xe Didi vào tháng 6/2021, cơ quan quản lý an ninh mạng Trung Quốc nói rằng nhà quản lý của những nền tảng sở hữu dữ liệu cá nhân của từ 1 triệu người trở lên sẽ cần phải nộp hồ sơ rà soát an ninh mạng trước khi họ có thể niêm yết ở nước ngoài.
Sau khoảng thời gian 18 tháng hoạt động IPO của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ trầm lắng, thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang trở lại thị trường IPO Mỹ trong năm nay.
Trong năm ngoái, giới chức quản lý Mỹ đã nói rằng họ có thể tiếp cận với hồ sơ giấy tờ kiểm toán của các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, chính vì vậy rủi ro doanh nghiệp Trung Quốc phải hủy niêm yết cổ phiếu giảm đi.
Cũng trong ngành tài chính, theo Bnews, cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc và ngân hàng trung ương nước này có kế hoạch áp dụng một hệ thống quản lý khác biệt để đánh giá mức độ an toàn vốn và quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại, nhằm ngăn ngừa rủi ro tốt hơn trong hệ thống tài chính của quốc gia.