1. Đồng tiền điện tử bitcoin lần đầu tiên vượt mốc 100.000 USD trong phiên 5/12, có lúc lên tới 100.277 USD, trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ thúc đẩy kỳ vọng rằng chính phủ mới sẽ tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho tiền điện tử. Giá trị bitcoin đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay và tăng khoảng 45% trong bốn tuần kể từ chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ.
2. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 3/12 đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật nhằm "bảo vệ trật tự theo hiến pháp" nhưng đã dỡ bỏ sau đó khoảng 6 giờ. Sự kiện này đã khiến chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc chốt phiên 4/12 giảm 36,10 điểm (1,44%) xuống 2.464 điểm, và tỷ giá đồng won so với USD trượt xuống mức thấp 1.442 won đổi 1 USD trong đêm 3/12. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 25/10/2022. Lần gần nhất Hàn Quốc ban bố thiết quân luật là vào năm 1979 sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee ngày 26/10.
3. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lại xác lập mức cao kỷ lục mới khi đóng cửa phiên 6/12 nhờ triển vọng kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp và dữ liệu việc làm của Mỹ tốt hơn mong đợi làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này. Chốt phiên này, chỉ số S&P 500 tăng 15,16 điểm (0,25%) lên 6.090,27 điểm còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 159,05 điểm (0,81%) lên 19.859,77 điểm.
4. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 6/12 thông báo các cuộc đàm phán về Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã kết thúc. Đàm phán FTA EU-Mercosur kéo dài tới 25 năm do một số quốc gia EU còn quan ngại về vấn đề bảo vệ môi trường ở các nước Mercosur. FTA này nếu được ký kết sẽ tạo ra một thị trường với khoảng 800 triệu dân và thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ đối với hơn 90% hàng hóa EU xuất khẩu sang khối Nam Mỹ.
5. Chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 11/2024 của Liên hợp quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2023 do giá dầu thực vật tăng vọt trong bối cảnh thị trường lo ngại về sản lượng dầu cọ thấp hơn dự kiến tại khu vực Đông Nam Á.
6. Trung Quốc cấm xuất khẩu sang Mỹ các "mặt hàng lưỡng dụng" liên quan đến gali, gecmani, antimon và vật liệu siêu cứng, bắt đầu từ ngày 3/12, đồng thời yêu cầu kiểm tra chặt chẽ hơn về người dùng cuối và mục đích sử dụng cuối đối với các mặt hàng lưỡng dụng graphit được vận chuyển tới Mỹ. Trước đó, Mỹ ngày 2/12 tiến hành đợt hạn chế lần thứ ba trong vòng 3 năm qua nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với 140 công ty.
7. Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 6/12 đã công bố khoản bổ sung vốn kỷ lục lên đến 100 tỷ USD cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). Số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ 78 quốc gia có thu nhập thấp, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
8. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) ngày 5/12 quyết định lùi kế hoạch tăng sản lượng dầu đến tháng 4/2025, thay vì tháng 1/2025 như dự kiến ban đầu. 8 quốc gia OPEC+ cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng 11/2023 cho đến cuối tháng 3/2025.
9. Ngân hàng UBS ngày 5/12 công bố Báo cáo Tham vọng Tỷ phú năm 2024 cho hay tổng số tỷ phú thế giới đã tăng lên 2.682 người, từ con số 2.544 người vào năm trước. Tổng giá trị tài sản của nhóm này đạt 14.000 tỷ USD, cao hơn mức 12.000 tỷ USD của năm 2023 và gấp hơn hai lần so với mức 6.300 tỷ USD ghi nhận vào năm 2015.
10. Hiệp hội Tài chính Quốc tế (IIF) ngày 3/12 cho biết tổng nợ công toàn cầu đã tăng thêm hơn 12.000 tỷ USD trong ba quý kể từ đầu năm 2024, đạt mức cao kỷ lục mới là gần 323.000 tỷ USD, do chi phí vay giảm và nhu cầu đối với các tài sản rủi ro gia tăng. Các khoản thâm hụt ngân sách lớn của chính phủ có thể khiến nợ công toàn cầu tăng thêm 1/3 vào năm 2028, đạt gần 130.000 tỷ USD, qua đó làm gia tăng rủi ro trả nợ trên toàn thế giới.