Theo Nikkei Asia, các công ty bán dẫn Trung Quốc đang tìm cách mở rộng thông qua việc mua lại ở châu Âu phải đối mặt với sự đón nhận ngày càng lạnh nhạt từ cơ quan quản lý, cảnh giác với nguồn đầu tư được cho là do nhà nước điều hành.
Châu lục này từng là điểm đến hấp dẫn với những nhà đầu tư Trung Quốc - quốc gia đang tìm cách giành chỗ đứng trong chuỗi cung ứng tại thị trường hàng đầu về xe điện. Theo số liệu từ Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Đức), đầu tư trực tiếp vào châu Âu của các công ty Trung Quốc tăng trở lại 34% vào năm 2021 lên 10,6 tỷ euro (11,2 tỷ USD). Trong đó, các giao dịch liên quan đến ô tô điện chiếm gần 1/4.
Nhưng một số thỏa thuận gần đây bị cản trở bởi các chính phủ có đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck viện dẫn sự cần thiết phải bảo vệ “chủ quyền kinh tế và công nghệ” vào tháng trước khi Berlin phủ quyết việc bán 1 nhà máy bán dẫn ở Dortmund cho Sai MicroElectronics.
Đức vừa chặn thương vụ công ty Trung Quốc mua lại Elmos SemiconductorCơ sở của Elmos Semiconductor sản xuất chip 350 nm - công nghệ khá cũ trong lĩnh vực này. Tuy vậy dây chuyền của nhà sản xuất cảm biến hạng trung này có thể bổ sung công suất về linh kiện bán dẫn cho ô tô.
Đức lên kế hoạch phê duyệt việc mua lại trước khi thay đổi quyết định ngay trước khi kết thúc thời hạn sàng lọc nhà đầu tư.
Berlin cũng chặn 1 công ty Trung Quốc đầu tư vào công ty thiết bị sản xuất chip địa phương ERS Electronic.
Nhiều trường hợp tương tự xảy ra ở Anh. Wingtech Technology (Trung Quốc) gần đây được lệnh hủy bỏ việc mua lại Newport Wafer Fab thông qua 1 công ty con ở Hà Lan, với lý do rủi ro rò rỉ công nghệ có thể “làm suy yếu nước Anh”.
Tháng 8/2021, Wingtech chi 63 triệu bảng (tương đương 77 triệu USD) để mua tất cả cổ phiếu đang lưu hành của Newport Wafer. Nhưng chính phủ Anh đánh giá lại thỏa thuận theo luật mới được thực hiện vào tháng 1 nhằm ngăn chặn chảy máu công nghệ nhạy cảm.
Wingtech tuyên bố việc hủy bỏ thỏa thuận chỉ có tác động nhỏ đến hoạt động kinh doanh, nhưng công ty con của hãng ở Hà Lan vận hành nhiều cơ sở chip ở châu Âu cũng có thể gặp vấn đề tương tự. “Năng lực sản xuất của hãng thể bị ảnh hưởng, tùy thuộc vào chính sách địa phương”, đại diện của 1 công ty môi giới Trung Quốc cho biết.
Italy chặn việc mua lại LPE - hãng tạo ra các thiết bị sản xuất bán dẫn, bởi 1 quỹ đầu tư có trụ sở tại Thâm Quyến, cũng như nỗ lực của Zhejiang Jingsheng Mechanical để mua doanh nghiệp thiết bị in lụa của Italy.
Nhiều quốc gia châu Âu lo ngại trào lưu mua lại của Trung QuốcPhản ứng tiêu cực này được đánh giá bắt nguồn từ sự nghi ngờ về chiến lược xe điện của chính phủ Trung Quốc.
Các cơ quan quản lý tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường đang phát triển. Công ty tư vấn Pháp Inovev ước tính rằng xe điện sẽ chiếm khoảng 40% doanh số bán ô tô mới ở châu Âu vào năm 2030, với khoảng 1,16 triệu chiếc. Khoảng 1/5 số xe điện này được sản xuất tại Trung Quốc.
Phân tích của Datenna có trụ sở tại Hà Lan về 750 khoản đầu tư của Trung Quốc kể từ năm 2010 cho thấy nhà nước có ảnh hưởng cao trong 180 trường hợp và ảnh hưởng trung bình trong 121 trường hợp khác.
Một khuynh hướng diều hâu ngày càng tăng đối với Trung Quốc ở nhiều chính phủ châu Âu cũng là 1 yếu tố.
Đảng Xanh của Đức, được biết đến với đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc cùng lập trường bảo vệ môi trường, gia nhập liên minh cầm quyền vào tháng 12. Tại Anh, nhóm nghiên cứu Trung Quốc nhận định Bắc Kinh giành được nhiều ảnh hưởng hơn trong Đảng Bảo thủ cầm quyền từ mùa xuân năm 2020, trước khi Huawei Technologies ngừng cung cấp mạng 5G của quốc gia này vào tháng 7 năm đó.
Bắc Kinh phản đối việc ngăn chặn các giao dịch liên quan đến các công ty Trung Quốc. Thảo luận về vụ Wingtech vào tháng 11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ning cho biết Anh “lạm dụng quyền lực nhà nước để can thiệp trực tiếp vào hoạt động hợp tác đầu tư bình thường của 1 công ty Trung Quốc tại Anh”.
Một phát ngôn viên khác Zhao Lijian kêu gọi Đức và các nước khác kiềm chế “sử dụng an ninh quốc gia như lý do để thực hành chủ nghĩa bảo hộ”.
Xu hướng này khiến các doanh nghiệp Trung Quốc ngần ngại hơn trong việc đầu tư vào châu Âu. Ngoài ra, tác động cộng thêm là lạm phát và giá năng lượng tăng cao. Theo Ernst & Young, các thương vụ mua bán và sáp nhập được công bố bởi các công ty Trung Quốc trong khu vực giảm xuống dưới 1 tỷ USD, mức thấp kỷ lục trong quý trước.
Nhìn chung, xu hướng này khó ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty vì nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tập trung vào chuỗi cung ứng tại quê nhà. Nhưng các tập đoàn của đất nước tỷ dân có thể đánh mất cơ hội có được nhân tài và bí mật công nghệ, với hệ quả là khả năng cạnh tranh giảm sút trong tương lai.