Sự hiện diện nhà lãnh đạo nữ trong một hội đồng quản trị (HĐQT) và ban điều hành đa dạng về cơ cấu giới tính, có thể thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và sự bền vững của doanh nghiệp.
Nhiều nghiên cứu đã chung nhận định trên. Cũng chính vì điều này mà nhiều quốc gia đã đặt ra mục tiêu cụ thể về tỷ lệ nữ giới tham gia HĐQT và ban điều hành doanh nghiệp, trong đó một số quốc gia như Na Uy, Anh đã đạt được tỷ lệ nữ giới trong HĐQT lên tới hơn 40%.
Tại Việt Nam khi phong trào khuyến khích bình đẳng giới ngày càng được quan tâm, tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT và ban điều hành doanh nghiệp đã có sự cải thiện, song so với các nước phát triển chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa.
Theo báo cáo “Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch COVID-19” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cuối năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (90% là doanh nghiệp có quy mô ở mức nhỏ, siêu nhỏ) mới đạt khoảng 22,2%.
Trong khi đó, mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 là đến năm 2025 tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% và đến năm 2030 đạt 30%. Nên nhớ, giai đoạn 10 năm trước đó, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 35% vào năm 2020 nhưng thực tế đã không thể đạt được.
Có thể thấy, mặc dù mục tiêu Chính phủ đặt ra khá rõ ràng nhưng việc biến mục tiêu thành hiện thực vẫn là thách thức, đặc biệt là khi vai trò của nữ giới trong HĐQT và ban điều hành của doanh nghiệp còn chưa được nhận thức một cách đúng mức.
Chia sẻ về vấn đề này từ Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam - người có nhiều năm làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và cũng là nữ doanh nhân đã chèo lái Deloitte Việt Nam trở thành công ty tư vấn, kiểm toán số 1 trong nước và khu vực Đông Nam Á.
Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của thành viên nữ trong HĐQT và ban điều hành của các doanh nghiệp (niêm yết)?
Tại thời điểm đại dịch COVID xảy ra, một nghiên cứu tại các quốc gia ASEAN đã chỉ ra rằng, trong những giai đoạn khủng hoảng của các công ty nói riêng và khủng hoảng của thị trường chứng khoán nói chung, những công ty có nữ thành viên HĐQT sẽ vượt qua khủng hoảng tốt hơn, ổn định và bền vững hơn.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cũng đã công bố một báo cáo được hỗ trợ thực hiện bởi Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy, tỷ suất sinh lợi của cổ phiếu những doanh nghiệp niêm yết được điều hành bởi các lãnh đạo nữ cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của thị trường chứng khoán.
Có lẽ tính thận trọng và bền bỉ trời phú cho phụ nữ là nhân tố giúp dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ngay trong khu vực ASEAN, Malaysia đã đưa quy định các công ty niêm yết phải có ít nhất 1 thành viên HĐQT là nữ vào luật. Ở các quốc gia khác như Thái Lan và Singapore, tuy chưa luật hóa quy định về thành viên nữ trong HĐQT nhưng các nước này cũng khuyến khích bằng cách cộng điểm cho các công ty có thành viên HĐQT nữ khi tiến hành xếp hạng về quản trị các công ty niêm yết hàng năm.
Như bà đã nói, sự tham gia của thành viên nữ vào HĐQT và ban điều hành của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, vậy tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT/ban điều hành nên là bao nhiêu để đảm bảo sự cân bằng của doanh nghiệp?
Theo báo cáo Phụ nữ trong HĐQT (Women in the Boardroom: A Global Perspective) của Deloitte năm 2022, tỷ lệ nữ giới trong HĐQT trung bình trên toàn cầu đạt mức 19,7%, tăng 2,8% so với năm 2018. Mặc dù có sự tăng trưởng, nhưng tỷ lệ tăng còn khá chậm. Nhất là những khu vực như châu Á và Trung Đông cần những bước tiến thực sự nhưng chưa có.
Còn theo số liệu Deloitte Việt Nam thu thập, đến năm 2020, tỷ lệ nữ giới trong HĐQT của các doanh nghiệp Việt Nam là 17%. Tỷ lệ này thấp hơn so với thế giới. Mặc dù theo nghiên cứu của IFC, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai về tỷ lệ nữ giới trong HĐQT trong số sáu quốc gia khu vực ASEAN mà tổ chức này khảo sát nhưng vẫn còn cách khoảng cách khá xa với mức cân bằng giới hoặc tỷ lệ 30% theo khuyến nghị trong bộ quy tắc quản trị công ty đại chúng Việt Nam.
Theo bà sự hiện diện của nữ giới trong HĐQT hoặc ban điều hành có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả hoạt động tài chính của các doanh nghiệp?
Tại Việt Nam, hiện không có điều luật nào quy định cụ thể về số lượng nữ giới trong hội đồng quản trị và ban điều hành của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, việc có nữ giới trong HĐQT/ban điều hành, thúc đẩy sự đa dạng và bao trùm ở cấp lãnh đạo/quản lý sẽ mang được nhiều lợi ích, trong đó có lợi ích về hoạt động tài chính.
Theo phân tích của IFC tại sáu quốc gia ASEAN, các công ty có hơn 30% thành viên HĐQT là nữ có liên hệ với hiệu quả tài chính tốt hơn so với các công ty không có hoặc có ít hơn 30% số thành viên HĐQT là nữ.
Ở những công ty không có phụ nữ trong HĐQT và những công ty có ít hơn 30% số thành viên HĐQT là nữ, tỷ lệ sinh lời trên tài sản (ROA) trung bình là 2,4%. Trong các công ty mà phụ nữ chiếm hơn 30% số thành viên HĐQT, ROA trung bình là 3,8%.
Cũng trong báo cáo này, nếu số nữ giới trong HĐQT của một công ty tăng từ 0 (một hội đồng toàn nam giới) lên có ít nhất một thành viên trong HĐQT, ROA có khả năng tăng thêm 1,4%, trong khi tất cả các yếu tố khác không đổi. Nếu HĐQT có đến 30% thành viên là nữ, ROA có khả năng tăng 1,2%.
Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thành viên nữ HĐQT thường có những cách tiếp cận mới khi đứng trước những giai đoạn nhiều thách thức hoặc khủng hoảng kinh tế để từ đó đưa doanh nghiệp vượt bão và phát triển mạnh hơn.
Ngoài những cải thiện về tình hình tài chính như đã đề cập ở trên, từ một số ví dụ như Vinamilk, REE hay PNJ... bà có cho rằng văn hóa doanh nghiệp dưới sự quản trị của lãnh đạo nữ cũng có những khác biệt so với doanh nghiệp có lãnh đạo là nam giới? Bản thân là một nữ lãnh đạo doanh nghiệp, bà thấy rằng nữ giới có những lợi thế cũng như rào cản gì trong quá trình dẫn dắt doanh nghiệp?
Đây là một câu hỏi rất hay, chạm đến những giá trị chung của những lãnh đạo có tầm. Để phát triển nhanh nhưng bền, các doanh nghiệp không thể thiếu đi một người lãnh đạo có tầm nhìn, tập trung vào các trụ cột của phát triển bền vững, trong đó yếu tố văn hóa doanh nghiệp là yếu tố lõi mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng nhận ra được.
Với những doanh nghiệp bền bỉ ở top đầu, với tính thanh khoản cao, vốn hóa tỷ đô, các nữ lãnh đạo thường có thêm sức mạnh riêng - đó là sự thấu cảm và sức bền. Sự thấu cảm ở mức độ cao và sức bền giúp các nữ lãnh đạo kiên trì và bền bỉ theo đuổi mục tiêu và các giá trị.
Vậy thì để phát triển bền vững, một trong những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm là thực thi các trách nhiệm xã hội. Theo bà tại những doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có được đề cao hơn không, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới?
Rõ ràng ở các doanh nghiệp có lãnh đạo tư duy phát triển toàn diện và bền vững đều quan tâm đến việc thực thi các trách nhiệm xã hội, trong đó có cả nỗ lực xây dựng văn hóa đa dạng và bao trùm, thúc đẩy bình đẳng giới.
Tuy nhiên, các lãnh đạo nữ thường có sự quan tâm sâu sắc hơn, bền bỉ hơn, cho nên khi thực thi những trách nhiệm xã hội, các nữ lãnh đạo không chỉ kiến tạo mà còn lan tỏa được giá trị của những hoạt động này xa hơn và rộng hơn.
Cảm ơn bà về những chia sẻ!