Ông Lê Anh Nam, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Lương thực A An (Tập đoàn Tân Long) cho biết, Philippines là thị trường xuất khẩu truyền thống của gạo Việt Nam, nước này chủ yếu mua các loại gạo thơm như DT8, OM18, OM5451.
9 tháng đầu năm nay, Philippines đã nhập khẩu khoảng 3,2 triệu tấn gạo từ các nước, trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 2,525 triệu tấn gạo thơm các loại.
“Thói quen của người dân Philippines là lúc nào cũng phải có cơm để ăn, ngay cả khi đi ăn bên ngoài như hamburger, gà rán,... họ vẫn phải kèm với cơm nên nhu cầu tiêu thụ gạo của nước này rất lớn. Mặt khác, hàng năm Philippines phải gánh chịu nhiều cơn bão, sản xuất trong nước không đáp ứng nhu đủ nhu cầu buộc họ phải nhập khẩu thêm gạo để đủ tiêu dùng trong nước”, ông Nam nói.
Hiện nay các thị trường cung cấp gạo cho Philippines, gồm: Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ. Nhà nhập khẩu sẽ cân nhắc từng thời điểm xem thị trường nào có giá cạnh tranh hơn sẽ mua. Tuy nhiên, các thị trường trên chỉ cạnh tranh với Việt Nam ở phân khúc gạo trắng thường, gạo cấp thấp còn gạo thơm thì Philippines vẫn phải mua từ Việt Nam.
Theo ông Nam, việc Ấn Độ mở cửa lại thị trường chỉ ảnh hưởng đến loại gạo trắng thường như IR50404. Cụ thể, trước khi Ấn Độ mở cửa, gạo trắng thường của Việt Nam khoảng 13.200-13.500 đồng/kg, sau khi Ấn Độ mở cửa, loại gạo này chỉ còn khoảng 12.500-12.700 đồng/kg.
Bản chất phân khúc gạo thơm không cạnh tranh với gạo trắng thường của Ấn Độ, và gạo thơm Việt Nam không chỉ xuất đi Philippines mà cả châu phi và Trung Đông. Do vậy, Ấn Độ mở cửa thị trường thì các loại gạo thơm như DT8, OM18, OM5451,... không bị ảnh hưởng nhiều thậm chí còn tăng giá, khoảng một tuần trước gạo DT8 có giá từ 15.200-15.500 đồng/kg, nhưng hôm nay đã tăng lên 15.800 đồng/kg, tại kho nhà máy.
Hiện gạo thơm xuất khẩu đang được chào ở mức 670 USD/tấn (FOB), tăng 10-15 USD/tấn, so với cách đây một tuần. Đây là giá chào của các doanh nghiệp trong nước nhưng mức giá này thương nhân Philippines chưa chấp nhận được nhiều và họ đang muốn giá thấp hơn.
“Thương nhân Philippines thường mua hàng với khối lượng lớn từ 3-5 ngàn tấn/đơn hàng, nên họ thường trả giá khá thấp và sát thị trường, khi nào đạt mức giá tốt nhất mới họ mới mua, bán hàng cho họ không lời lãi bao nhiêu nhưng bán được lượng hàng khá lớn.
Trong khi đó, thị trường châu Phi mua không nhiều như Philippines nên họ sẽ lựa nhà cung cấp, đòi hỏi chất lượng cao và chấp nhận mua giá cao. Vậy nên bán hàng đi Philippines thường có giá thấp hơn đi châu Phi, Trung Đông từ 5-7USD/tấn (tùy chất lượng và tùy khách hàng)”, Phó Tổng Giám đốc Công ty A AN cho biết.
Theo ông Nam, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên, dưới 7 triệu tấn gạo, trong đó, xuất khẩu sang Philippines trên, dưới 3 triệu tấn, nếu trong quý IV/2024, nước này có giảm mua vài trăm ngàn tấn gạo cũng không ảnh hưởng gì đến giá gạo trong nước. Bởi Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo thơm sang Philippines mà còn mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Đông, châu Phi thậm chí châu Âu cũng tăng nhập khẩu gạo Việt Nam.
“Từ nay đến vụ Đông Xuân 2025, giá gạo thơm sẽ được giữ vững, còn nói giảm thì chưa thấy có cơ hội giảm, vì cơ bản các kho mua vào có giá thành khá cao nên họ sẽ không bán ra giá thấp. Mặt khác, miền Bắc vừa trải qua đợt bão lũ nặng nề sản xuất bị mất mùa, nguồn gạo trong Nam sẽ được chuyển ra Bắc, cùng với các dịp lễ, Tết cuối cũng cần rất nhiều gạo thơm, cho nên Philippines có giảm nhập khẩu cũng không quá ảnh hưởng gì đến giá gạo trong nước”, ông Nam nói.