Đối với việc vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) bằng các hãng vận chuyển khổng lồ, luật của người trả giá cao nhất thường được áp dụng. Do đó, không có gì lạ khi thấy các con tàu "chuyển hướng" đến thị trường có giá "giao ngay" cao nhất thay vì các điểm đến ban đầu.
Những người dùng Internet để theo dõi lộ trình của các con tàu trên các trang chuyên ngành đã thấy chúng "mất hút" trong những tuần gần đây. Trên khắp các đại dương, người ta chứng kiến một màn "múa ba lê" của các tàu chở LNG - những con tàu khổng lồ này sẽ đi đến bốn phương trời của hành tinh để cung cấp nhiên liệu cho các quốc gia.
Hiện nay, nhiều tàu chở LNG đang hướng tới châu Âu - nơi đang "khát" khí đốt do thiếu thốn liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Theo ông Jonathan Raes, Giám đốc cơ sở hạ tầng của hãng vận tải LNG Exmar của Bỉ, "châu Âu hơn bao giờ hết trở thành một thị trường cao cấp".
Trên thế giới này, nơi thị trường tiền mặt và các hợp đồng dài hạn hòa quyện, luật của người trả giá cao nhất thường chiếm ưu thế. Do đó, không có gì lạ khi thấy các con tàu "chuyển hướng" đến thị trường có giá "giao ngay" cao nhất ở thời điểm hiện tại là châu Âu. Ông Raes cho biết: "Các chủ sở hữu tàu cố gắng khai thác tối đa hàng hóa của họ, họ tính toán giữa mức giá mà con đường vòng này phải trả và lợi nhuận họ có thể thu được bằng cách bán lại LNG với giá cao hơn dự kiến".
Việc tính toán đôi khi phức tạp vì giá vận tải cũng bùng nổ. Hiện nay, một tàu vận chuyển LNG được thuê với giá hơn 100.000 USD mỗi ngày, hoặc thậm chí gấp đôi đối với những con tàu hiện đại nhất. Trong khi đó, giá thuê một tàu chở dầu là 50.000 USD/ngày.
Các tàu vận chuyển LNG dừng lại trên biển
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều tàu vận chuyển LNG chọn lối đi đường vòng. Gần đây, các tàu xuất phát từ các cảng LNG ở miền Nam nước Mỹ đi vào kênh đào Panama về phía Đông Á, và rồi đột ngột quay đầu 180 độ và hướng tới châu Âu, nơi có mức giá hấp dẫn.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) đã chứng kiến nhập khẩu LNG tăng 60%, một phần lớn trong số đó đến từ nước Mỹ. Giám đốc Exmar nhận định nhu cầu của châu Âu đã gây ra cú sốc cho thị trường khí đốt.
Điều này đang gây thiệt hại cho những nước nghèo hơn, khi không có khả năng theo kịp với mức lạm phát giá này. Các quốc gia châu Á như Pakistan hay Bangladesh, không còn có thể mua LNG vì giá đắt hơn nhiều, vì vậy họ đang chuyển sang sử dụng than đá.
Giống như hành động mà các tàu chở dầu đôi khi làm trong thời kỳ khủng hoảng, các tàu chở LNG đã dừng ở giữa các đại dương. Phải chăng đây là một bước nghỉ trước khi giá tăng? Ông Jonathan Raes giải thích: "Có thể là như vậy, nhưng cũng có thể là do các hãng vận tải LNG này buộc phải chờ đợi để xem liệu các cảng có thể tiếp nhận loại tàu này hay không, chẳng hạn như cảng Zeebrugge ở Bỉ đang hoạt động ở công suất tối đa".
Được ca ngợi vì tính linh hoạt, thị trường LNG đang bùng nổ. Đây không phải là tin tốt cho hành tinh, bởi ngoài vận chuyển, quá trình hóa lỏng và đông đặc LNG sẽ thải ra lượng CO2 gấp 2 đến 3 lần so với đường ống dẫn khí đốt thông thường.
Nhu cầu đóng tàu bùng nổ
Hiện nay, có 641 tàu vận chuyển LNG trên thế giới, trong đó 10% đã được đóng trong 20 tháng qua. Không có gì ngạc nhiên khi giá của những con tàu XXL này đã bùng nổ. Giờ đây người ta phải trả 236 triệu euro (229 triệu USD) để mua được mẫu tàu cơ bản. Ông Raes cho biết thêm rằng các đơn đặt hàng đã quá tải và không thể có tàu LNG mới trước năm 2027.
Khí hóa lỏng chiếm không gian ít hơn 600 lần so với dạng ban đầu. Với công suất 270.000 m3, tàu LNG lớn nhất thế giới vừa được đóng tại Trung Quốc có thể vận chuyển đủ lượng khí đốt tự nhiên để cung cấp cho 4,7 triệu hộ gia đình Trung Quốc trong một tháng.
Với công suất 138.000 m3, 20 năm tuổi và động cơ tuabin hơi nước, tàu Excalibur không còn là một trong những hãng vận tải LNG được săn lùng nhiều nhất. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản con tàu của Bỉ và 32 thành viên thủy thủ đoàn tiếp tục ra khơi để phục vụ tập đoàn năng lượng Eni của Italy.