Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuy nhiên lại có tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần gần nhất bởi khả năng nhóm nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và liên minh sẽ đồng ý giảm sản lượng dầu trong cuộc họp bàn về vấn đề sản lượng vào ngày 5/10/2022, theo nội dung bài báo được Reuters đăng tải.
Đóng cửa phiên giao dịch trên thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 11/2022 hạ 53 cent tức 0,6% xuống 87,96USD/thùng. Đây là phiên giao dịch cuối cùng của dầu kỳ hạn này. Giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 12/2022 giảm 2,07USD/thùng xuống 85,11USD/thùng.
Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 1,74USD/thùng tương đương 2,1% xuống 79,49USD/thùng.
Cả hai loại dầu Brent và WTI có lúc từng tăng hơn 1USD trong phiên, tuy nhiên sau đó giảm đi bởi thông tin sản lượng dầu của OPEC tăng trong tháng 9/2022 lên ngưỡng cao nhất từ năm 2020, cao hơn cả ngưỡng đã tính toán trước đó, theo khảo sát của Reuters.
Chuyên gia tại Again Capital LLC ở New York, ông John Kilduff, phân tích: “Rõ ràng đã có một số hoạt động chốt lời sau khi giá dầu tăng trong khoảng thời gian đầu tuần. Dường như ngưỡng 80USD là ngưỡng thay đổi trạng thái của nhà đầu tư trong bối cảnh hiện tại. Nỗi lo lớn dần về tình hình ổn định tài chính ở Anh hiện đang gây tổn hại đến triển vọng nhu cầu thêm nữa”.
Tính cả tuần, giá dầu Brent và WTI tăng lần lượt 2% và 1% và như vậy có tuần tăng đầu tiên tính từ tháng 8/2022, trước đó trong tuần giá dầu đã có lúc chạm mức thấp nhất trong 9 tháng.
Các chuyên gia quản lý tiền tệ Mỹ đã bán ra một số hợp đồng dầu tương lai và quyền chọn trong tuần kết thúc ngày 27/9/2022, theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC).
Còn theo Bloomberg, dù rằng đồng USD hiện đã hạ giá từ mức cao nhất trong 20 năm được thiết lập vào đầu tuần này, đồng USD vào cuối phiên thứ Sáu vẫn ở ngưỡng rất cao. Đồng USD mạnh hơn không khỏi khiến cho giá của dầu, loại tài sản vốn được định giá bằng đồng USD, trở nên cao hơn đối với nhà đầu tư sở hữu nhiều loại tiền tệ khác, đồng thời làm giảm nhu cầu đối với loại tài sản này.
“Biến động giá mạnh đã trở thành điều bình thường khi mà các thành viên thị trường lo lắng về kinh tế toàn cầu và triển vọng nguồn cung dầu hạn chế”, chuyên gia môi giới về dầu tại PVM – ông Stephen Brenncock phân tích.
Thị trường dầu đón nhận yếu tố hỗ trợ từ khả năng OPEC và liên minh đang tính đến giảm sản lượng ước tính từ 500.000 đến 1 triệu thùng dầu/ngày trong cuộc họp vào ngày 5/10/2022.
Chuyên gia phân tích tại OANDA, ông Edward Moya, phân tích: “Việc triển vọng nhu cầu dầu yếu đi sẽ không cho phép giá dầu tăng cho đến khi các nhà đầu tư trên thị trường năng lượng tin rằng OPEC+ sẽ giảm sản lượng”.
Các chuyên gia phân tích dự báo về khả năng quy mô sản xuất dầu suy giảm bởi những nỗi sợ liên quan đến nhu cầu liên quan trực tiếp đến khả năng kinh tế chững lại và lãi suất leo thang gần đây đã không ngừng gây sức ép lên giá dầu.
Trong tuần này, các doanh nghiệp năng lượng Mỹ đã đưa vào hoạt động thêm 2 khu vực khai thác dầu, tuy nhiên tăng trưởng của hoạt động nối lại khai thác dầu tại các địa điểm này chững lại do nỗi sợ suy thoái kinh tế và nguồn cung hạn chế.
Các quan chức Nhà Trắng dự kiến sẽ có cuộc gặp với quản lý cấp cao của nhiều doanh nghiệp năng lượng Mỹ nhằm bàn đến xử lý tác động từ cơn bão Ian và việc dự trữ xăng thấp. Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo các doanh nghiệp năng lượng không nên “làm khó” người tiêu dùng.