Theo số liệu ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố ngày 18/6, thâm hụt ngân sách của nước này dự kiến sẽ lên tới 1.900 tỷ USD trong tài khóa 2024, trong bối cảnh chi tiêu của Chính phủ tiếp tục tăng.
Con số này cao hơn khoảng 400 tỷ USD so với dự báo hồi tháng Hai. CBO chỉ ra mức tăng (27%) do một số động lực chính, như viện trợ quân sự nước ngoài, các khoản vay sinh viên của chính quyền, việc thu hồi các khoản thanh toán chậm hơn dự kiến của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang để ứng phó với tình hình căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng hai năm qua, chi tiêu cao hơn cho chương trình bảo hiểm Medicaid và sự gia tăng các khoản chi tiêu không bắt buộc.
Trong khi đó, thâm hụt ngân sách tích lũy từ năm 2025 đến năm 2034 được dự báo sẽ lên tới 22.100 tỷ USD, cao hơn 10% so với dự báo hồi tháng Hai của CBO.
Theo CBO, yếu tố đóng góp lớn nhất vào mức tăng thâm hụt ngân sách tích lũy là do CBO đưa thêm đạo luật mới được ban hành gần đây vào cơ sở dữ liệu cơ bản của cơ quan này, làm tăng thêm 1.600 tỷ USD vào mức thâm hụt dự kiến.
Đạo luật này bao gồm các khoản phân bổ bổ sung khẩn cấp nhằm cung cấp 95 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, Israel và các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh chi phí lãi vay và chi tiêu cho các chương trình như Medicare và an sinh xã hội tiếp tục tăng, CBO dự đoán chi tiêu liên bang sẽ đạt 24,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024 và 24,9% GDP vào năm 2034.
Trong khi đó, CBO dự kiến doanh thu ngân sách sẽ đạt tổng cộng 17,2% GDP vào năm 2024, sau đó tăng 0,08% vào năm 2027, một phần do luật thuế năm 2017 được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump sắp hết hạn.
Nợ công cũng dự kiến sẽ tăng từ 99% GDP vào năm 2024 lên 122% vào năm 2034, con số được CBO lưu ý là cao nhất trong lịch sử.