Giá dầu tăng gần 4USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai khi mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các nước liên minh hay còn gọi là OPEC+ cân nhắc giảm sản lượng ước tính khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày nhằm hỗ trợ đẩy tăng giá dầu, đây là đợt cắt giảm sản lượng mạnh tay nhất tính từ đầu đại dịch COVID-19.
Theo Reuters, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 12/2022 trên thị trường London tăng 3,72USD/thùng lên 88,86USD/thùng, mức tăng ghi nhận 4,4%. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tăng 4,14USD/thùng tương đương 5,2% lên 83,63USD/thùng.
Tính từ tháng 6/2022 đến nay, giá dầu đã giảm liên tiếp 4 tháng khi mà các biện pháp phong tỏa để ngăn dịch COVID-19 tại Trung Quốc không khỏi khiến cho nhu cầu suy giảm, cùng lúc đó, lãi suất tăng cao và đồng USD lên giá mạnh gây ra sức ép tâm lý lên các thị trường tài chính toàn cầu.
OPEC+ hiện đang cân nhắc giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng dầu/ngày, theo những nguồn tin được công bố. Con số này không tính đến việc giảm sản lượng tự nguyện của mỗi thành viên, một nguồn tin của OPEC cho hay.
Phần lớn các chuyên gia trên thị trường dự báo về con số cắt giảm ước tính khoảng 50.000 thùng/ngày, phó chủ tịch bộ phận kinh doanh tại BOK Financial – ông Dennis Kissler phân tích.
Theo công bố thực tế, sản lượng của OPEC+ trong tháng 7/2022 giảm gần 3 triệu thùng dầu/ngày, các biện pháp trừng phạt áp dụng với một số thành viên trong nhóm và việc đầu tư vào hạ tầng năng lượng suy giảm không khỏi khiến cho sản lượng nói chung chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Dự trữ dầu thô tại Mỹ được dự báo đã tăng ít nhất khoảng 2 triệu thùng trong tuần trước, theo khảo sát mới được thực hiện bởi Reuters. Còn tại khu vực dự trữ ở Cushing, Oklahoma, dự trữ dầu được dự báo tăng 730.297 thùng lên 29,6 triệu thùng dầu, theo nguồn tin của Genscape.
Trong phiên đầu tiên của tháng 10/2022, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm, Dow Jones ghi nhận mức tăng rất mạnh, đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang tạm bình ổn tâm lý sau khoảng thời gian dài bán mạnh.
Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 765,38 điểm tương đương 2,7% lên 29.490,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 92,81 điểm tương đương 2,6% lên 3.678,43 điểm còn chỉ số Nasdaq tăng 239,82 điểm tương đương 2,3% lên 10.815,43 điểm. Cả chỉ số S&P và Nasdaq như vậy đều có ngày tăng điểm đầu quý 3 tốt nhất so với bất kỳ năm nào tính từ năm 2009, theo tính toán của Dow Jones Market Data.
Việc thị trường tăng điểm diễn ra trên diện rộng sau khi cổ phiếu khép lại tuần, tháng và quý mất điểm mạnh, các chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất tính từ đầu năm.
Thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh trong 9 tháng đầu của năm 2022 khi mà quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ tuyên bố rõ ràng rằng việc nâng lãi suất và siết chặt chính sách tiền tệ sẽ vẫn tiếp diễn. Trong tuần trước, chỉ số Dow Jones đã có lúc rơi vào trạng thái thị trường suy giảm, tức mức giảm khoảng 20% so với mức đỉnh gần nhất.
Nhà đầu tư hiện đang cân nhắc về nhiều yếu tố đã khiến cho họ lo lắng về triển vọng kinh tế và ổn định tài chính toàn cầu. OPEC và các nước đồng minh cũng đang tính đến giảm sản lượng dầu để đẩy cao giá cả. Gần đây, chính phủ Anh đã thông qua kế hoạch kinh tế, ngay lập tức nó tạo ra các đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu tiềm ẩn khả năng gây tổn hại đến các quỹ hưu trí.