Tiếp nối thành công của các kỳ triển lãm trước, năm nay Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thu hút hơn 280 đơn vị triển lãm và 496 gian hàng đến từ Việt Nam và 15 quốc gia khác tham dự triển lãm Vietfish 2024.
Hàng trăm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, như: Thủy sản đông lạnh, tươi sống, hàng đóng hộp, đồ khô, nước mắm… cùng với ngành công nghiệp phụ trợ như: Công nghệ, thiết bị, năng lượng sạch… tạo nên bức tranh sinh động của ngành thủy sản Việt Nam.
Với chủ đề “Thủy sản xuất khẩu cho người Việt” Vietfish nuôi tham vọng mang các sản phẩm thủy sản xuất khẩu ra thế giới tiếp cận thị trường trong nước, góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng ngành F&B đầy tiềm năng của Việt Nam.
Vietfish sẽ là kênh quảng bá hiệu quả, góp thêm nhiều lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng, tiện lợi cho bữa cơm gia đình Việt, đáp ứng nhu cầu ẩm thực đa dạng của thế hệ trẻ, đang ngày càng tiếp cận rất nhanh với sự thay đổi tiêu dùng trên thế giới.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cho biết, trải qua 25 kỳ tổ chức, quy mô và hoạt động của hội chợ Vietfish ngày càng được cải thiện, và mang tính chuyên nghiệp cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước, xứng đáng là một sự kiện quan trọng hàng năm, là điểm hội tụ lớn nhất của tất cả các nhà sản xuất, chế biến thủy sản hàng đầu Việt Nam và đối tác bạn hàng quốc tế.
Việt Nam đang được xếp vào nhóm các quốc gia có khả năng và năng lực cạnh tranh cao trong ngành thủy sản. Điều này được thể hiện khi Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản, chiếm trên 7% thị phần thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Năm 2023, trước tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên toàn cầu đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới tăng lên mức kỷ lục, chiến sự giữa Nga và Ucraina vẫn tiếp tục kéo dài nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, đây là kết quả đáng khích lệ và là nỗ lực rất lớn của toàn ngành.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, thương mại của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tăng xuất khẩu. Song, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với hàng loạt các thách thức mới về thị trường xuất khẩu và các vấn đề nội tại của ngành.
Trước tình hình đó, Vietfish 2024 có nhiệm vụ thu hút được sự tham gia đông đảo doanh nghiệp, là điểm hội tụ tinh hoa của ngành thủy sản, kết nối các doanh nghiệp trong toàn chuỗi cung ứng hướng đến phát triển ngành thủy sản theo hướng toàn diện.
“Trong lúc thị trường thế giới ngày càng khó khăn, tiềm năng thị trường nội địa còn rất lớn, để cân bằng cân cung cầu và giảm lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã dần hướng đến phát triển thị trường nội địa, đưa sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến với người tiêu dùng Việt Nam”, Chủ tịch VASEP nhấn mạnh.
Ở góc nhìn của nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Phùng Đức Tiến cho biết, với thông điệp “Ngôi nhà của thủy sản châu Á (Asia's home of Seafood)”, Vietfish 2024 sẽ tiếp tục khẳng định chất lượng và giá trị của thủy sản Việt Nam trên thị trường trường quốc tế. Tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, đa dạng và tiện lợi là điểm hội tụ tinh hoa của thủy sản Việt, kết nối với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, hướng tới phát triển thủy sản theo hướng toàn diện.
Ngoài ra, Vietfish năm nay còn tập trung vào khu vực giới thiệu sản phẩm thủy sản với thị trường nội địa. Đây là dịp để người tiêu dùng trong nước tiếp cận sản phẩm thủy sản chế biến chất lượng, chuẩn quốc tế với giá cả khá hợp lý mà Việt Nam đang xuất khẩu đi các nước.
Vietfish 2024 tiếp tục mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong ngành thủy sản, gia tăng trải nghiệm văn hóa ẩm thực đầy màu sắc của Việt Nam.
“Trải qua 25 năm đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước, Vietfish 2024 sẽ tiếp tục là sự kiện tiên phong dẫn dắt xu hướng, tạo môi trường và không gian cho các doanh nghiệp thủy sản kết nối, tìm hiểu, thúc đẩy giao thương trong ngành mạnh mẽ hơn nữa, để họ có cơ hội đẩy mạnh thị trường nội địa, tìm kiếm thêm các đối tác, nhà cung ứng, dịch vụ, sản phẩm cũng như cập nhật thành tựu, nghiên cứu mới nhất của từng khâu trong ngành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.