Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt 875 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay. Lũy kế, 6 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản mang về trên 4,43 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 6, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng cao, đặc biệt, top 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc – Hồng Kông đều ghi nhận tăng trưởng cao: Mỹ tăng 14%, còn Trung Quốc – Hồng Kông tăng 18%. Riêng thị trường EU có mức tăng trưởng cao nhất 40%.
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 733 triệu USD tăng 9%; xuất khẩu sang Trung Quốc – Hồng Kông tăng 7% đạt 766 triệu USD; xuất khẩu sang EU đạt 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Thị trường EU đang có xu hướng ổn định dần dần.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, đạt 705 triệu USD. Đồng Yên Nhật mất giá 12% so với đồng USD và là đồng tiền mất giá nhiều nhất trong các ngoại tệ mạnh là yếu tố khiến nhập khẩu của nước này giảm. Ngoài ra, những bất lợi do Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản cũng góp phần khiến cho nhập khẩu của Nhật Bản bị chững lại.
Xuất khẩu tôm chưa hết khó
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái, mang về hơn 1,648 tỷ USD; cá tra tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 921,685 triệu USD, cá ngừ tăng 24,9% so với cùng kỳ, đạt 477,237 triệu USD, chủ yếu nhờ phân khúc cá ngừ đóng hộp, đóng túi tăng mạnh;...
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, xuất khẩu tôm tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm, nhưng điều này chưa đánh giá đúng thực tế tình hình của ngành tôm hiện nay. Chưa bao giờ ngành tôm phải đối mặt với nhiều khó khăn cùng lúc tại tất cả thị trường chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản…
Tuy nhiên, ở phân khúc hàng giá trị gia tăng, tôm Việt Nam đang có cơ hội cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador. Nắm bắt được thế mạnh này, các doanh nghiệp đã có kế hoạch phù hợp để tận dụng hết cơ hội, phát huy năng lực nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng trong thời gian tới.
Mặt khác, tôm Việt cũng có thêm cơ hội tăng trưởng khi các nhà nhập khẩu, đặc biệt tại thị trường Mỹ tăng cường kiểm soát tôm từ Ấn Độ và Ecuador về các vấn đề lao động, môi trường và an toàn thực phẩm…
“Tuy vậy, xuất khẩu tôm năm nay vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động địa chính trị; khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Gần đây là bất ổn tại khu vực Trung Đông. Ngoài ra, các rào cản thương mại như: Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường Mỹ; quy định về quota tại Hàn Quốc… cũng là những nguyên nhân tác động trực tiếp đến xuất khẩu tôm”, ông Hòe nói.
Thị trường Mỹ có tín hiệu khả quan hơn về nhập khẩu cá tra
Đánh giá về tình hình xuất khẩu cá tra, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP nhận định, nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy có cải thiện về nhu cầu nhưng giá xuất khẩu sang các thị trường vẫn thấp, như Trung Quốc, EU, Anh… chỉ có thị trường Mỹ có tín hiệu khả quan hơn về cả giá và khối lượng nhập khẩu.
Theo Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Nam Việt, triển vọng đơn hàng nửa cuối năm nay của công ty này tích cực hơn so với nửa đầu năm khi sức mua tại Trung Quốc - thị trường chủ chốt dần hồi phục. Giá bán cá tra trung bình sẽ cải thiện dần nhờ sự hồi phục tại thị trường Trung Quốc khi nguồn cung và hàng tồn kho giảm, cũng như hưởng lợi từ đà tăng giá dần ở thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, giá bán sẽ khó tăng mạnh và dự kiến sẽ duy trì ở mức 1,9 USD/ kg – tương đương với giá bán trung bình nửa cuối năm 2023, chủ yếu do giá bán tại Trung Quốc khó phục hồi nhanh khi sức mua dự kiến chưa tăng cao.
Lạm phát tại Mỹ - thị trường xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam đã giảm nhanh từ 9% xuống còn 3% trong năm nay, Mỹ sẽ sớm có động thái cắt giảm lãi suất trong năm 2024 để kích cầu tiêu dùng, đó sẽ là cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu thủy sản.
Hy vọng năm nay tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV, theo đó, kim ngạch xuất khẩu sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 tới gần con số 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.