
Sáng ngày 17/4, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025. Đại hội có sự tham gia của 722 cổ đông, 324 cá nhân được ủy quyền (tính đến 9h15), đại diện cho 64,5% cổ phần có quyền biểu quyết của tập đoàn.
Lợi nhuận quý I/2025 đạt khoảng 3.300 tỷ đồng
Mở đầu đại hội, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, đây là lần đầu tiên số lượng cổ đông của công ty đạt kỷ lục gần 194.000 cổ đông và cũng là đông nhất trên sàn chứng khoán. Có thể nói HPG không chỉ là “cổ phiếu quốc dân” mà còn được gọi là “doanh nghiệp quốc dân”.
Nói về một trong những vấn đề đang được cổ đông quan tâm là khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay, ông Long thừa nhận mục tiêu năm 2025 của Hòa Phát khá tham vọng. Theo kế hoạch ban đầu trình lên kế hoạch là đạt 150.000 tỷ đồng doanh thu và 10.000 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc ban lãnh đạo nâng mục tiêu lên 170.000 tỷ đồng doanh thu và 15.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
“Hòa Phát mạnh dạn xây dựng kế hoạch lợi nhuận 15.000 tỷ đồng, để hoàn thành 3 quý còn lại của năm cần đạt hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận mỗi quý. Đây là con số rất cao, vừa là thách thức vừa là cơ hội. Tuy nhiên, Hoà Phát sẽ không có điều chỉnh kế hoạch", Chủ tịch Hòa Phát Khẳng định.
Ông Long tiết lộ, hết quý I, Hòa Phát đã đạt doanh thu 37.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 3.300 tỷ đồng; tăng lần lượt 19% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tập đoàn đã thực hiện được 22% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau một quý.

Về tác động của chính sách thuế quan mới, Chủ tịch Hòa Phát nhận định điều này sẽ tác động tới nhiều vấn đề, trong đó có biến động của thị trường chứng khoán, tâm trạng chung của nhà đầu tư là lo ngại về diễn biến trong tương lai.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều biến động, Hòa Phát vẫn duy trì tinh thần phòng thủ. Theo ông Long, có thể có ý kiến cho rằng ban lãnh đạo Hòa Phát bảo thủ nhưng thực tế doanh nghiệp đang thận trọng. Nếu đàm phán thuế đối ứng tốt, các nước đạt được những thỏa thuận thì Hòa Phát có cơ hội đi lên. Nhưng phải có sự cẩn trọng, đặt sự phát triển bền vững lên hàng đầu.
Đang triển khai dự án sản xuất thép đường ray với tổng vốn 14.000 tỷ đồng
Về tiến độ vận hành dự án Dung Quất 2, người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát thông tin, giai đoạn 1 của dự án đã đi vào hoạt động từ cuối quý I và có thể sản xuất 1,4 triệu tấn thép HRC, tăng 47% so với năm 2024.
Giai đoạn 2 dự kiến sẽ vận hành từ tháng 9/2025, đầu năm 2026 và có thể vận hành tối đa công suất trong năm 2028 với 5,6 triệu tấn HRC/năm. Sau khi dự án Dung Quất giai đoạn 2 hoàn thành sản lượng thép của Hòa Phát có thể đạt khoảng 15 triệu tấn.
Về vấn đề khả năng tiêu thụ của sản phẩm HRC, lãnh đạo Hòa Phát khẳng định hiện thép HRC sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Công ty sẽ tiếp tục thăm dò thị trường và tự tin có thể tăng sản lượng bán hàng thép HRC.
"Năm ngoái cổ đông lo lắng hàng thép giá rẻ Trung Quốc tràn sang, Hòa Phát đã thực hiện nhiều giải pháp, đến nay thuế chống bán phá giá cũng đã được áp dụng và hiện sản phẩm thép HRC của Hòa Phát sản xuất ra bán được hết hàng", ông Long nói.
Cập nhật thêm về việc tham gia các dự án đường sắt như dự án đường sắt tốc độ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị, ông Long cho biết trong cuộc họp tháng 9/2024 khi Thủ tướng họp với các doanh nghiệp lớn, Hòa Phát được giao nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt là sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và đường sắt đô thị.
"Với năng lực hiện tại, Hòa Phát có thể cung cấp sắt thép vật tư cho thép đường ray, toa tàu, đầu tàu…", ông Long nói và thông tin thêm, doanh nghiệp đang triển khai dự án mới sản xuất thép đường ray tại Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng.
Ông Long cũng báo tin mừng, ngoài quyết tâm của doanh nghiệp và xu hướng ra, Bộ Xây dựng đang trình nghị định giao nhiệm vụ cụ thể và đơn hàng cho các doanh nghiệp tham gia làm đường sắt cao tốc.
Về việc thay đổi phương án chia cổ tức năm 2024, chia sẻ với cổ đông Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, ngay sau ngày 2/4, do biến động thuế quan, Hòa Phát ngay lập tức phải đi vào phòng thủ nên phải thay đổi phương án không chia cổ phiếu bằng tiền mặt nữa. Quyết định này đã nhận được sự đồng cảm của cổ đông trên thị trường.
Ông Long cam kết từ năm 2026 trở đi, Hòa Phát sẽ chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông nếu nền kinh tế không có thêm biến động.
Theo tờ trình ban đầu, Hòa Phát dự kiến chi trả cổ tức tổng tỷ lệ 20%, gồm 5% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Tuy nhiên, trước chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ, HĐQT Hòa Phát đã quyết định không chia cổ tức tiền mặt mà trả toàn bộ bằng cổ phiếu trên cơ sở thận trọng và đảm bảo nguồn vốn tiền mặt trước những biến động ở tầm quốc tế. Như vậy, đây là năm thứ ba Hòa Phát không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.