![Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tập trung tối đa hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trở lên](https://s-aicmscdn.nhipsongkinhdoanh.vn/nskd-media/25/2/11/thongdochong1-1739258787051181312056_67ab085646c73.jpg)
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành ngân hàng sẽ tập trung tối đa vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trở lên. Để thực hiện mục tiêu này, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, khai thác các động lực tăng trưởng, đồng thời xử lý nợ xấu và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2025, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 16% và sẽ điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế. Nếu lạm phát duy trì ở mức thấp, NHNN có thể tăng tín dụng để kích thích tăng trưởng. Ngược lại, nếu có dấu hiệu rủi ro, chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo ổn định vĩ mô.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, một trong những ưu tiên của NHNN là thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), vì đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, vì khi tiêu dùng tăng, doanh nghiệp sẽ có động lực mở rộng sản xuất, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thống đốc nhấn mạnh, từ tháng 1/2026, hàng hóa xuất khẩu vào nhiều thị trường quốc tế sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. Do đó, tín dụng xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay đối với các dự án thân thiện với môi trường, giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho quá trình xuất khẩu.
"Nếu không làm tốt điều này, không chỉ tăng trưởng xuất khẩu bị ảnh hưởng mà còn có nguy cơ gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng", Thống đốc lưu ý.
Ngoài tín dụng xanh, NHNN cũng đặc biệt quan tâm đến tín dụng nhà ở xã hội (NOXH). Dù nhu cầu rất lớn, nhưng nguồn vốn và thủ tục triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, NHNN đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đánh giá chính xác nhu cầu, từ đó có chính sách phù hợp. Ví dụ, với những người trẻ có xu hướng thuê nhà thay vì mua, các sản phẩm tín dụng cũng cần được thiết kế linh hoạt hơn để đáp ứng thực tế.
Song song với đó, NHNN cũng đang tập trung xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bốn ngân hàng yếu kém đã được chuyển giao bắt buộc, tuy nhiên vẫn còn nhiều khoản nợ tồn đọng cần giải quyết. NHNN đã trình Chính phủ phương án cho vay đặc biệt để hỗ trợ các ngân hàng này cũng như về lâu dài mong muốn Chính phủ xem xét luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, giúp hệ thống ngân hàng có cơ sở pháp lý vững chắc hơn.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, Thống đốc nhận định, chuyển đổi số là yếu tố then chốt giúp ngành ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động. Hiện nay, NHNN đang phối hợp với Bộ Công an để khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, từ đó hỗ trợ các ngân hàng trong việc xác thực thông tin khách hàng. Đồng thời, NHNN cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính.
Về vấn đề lãi suất và tỷ giá, Thống đốc cho biết các ngân hàng mong muốn duy trì mặt bằng lãi suất ổn định. Tuy nhiên, điều này sẽ gặp nhiều thách thức do chính sách thương mại của Hoa Kỳ và những diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính quốc tế. Vì vậy, NHNN đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay, đồng thời tăng cường giám sát cung - cầu ngoại tệ nhằm điều tiết tỷ giá một cách hợp lý.