Một chuyên gia trong ngành chia sẻ quan điểm thị trường bất động sản hiện nay đang rơi vào trạng thái: Người muốn bán ra nhiều hơn người mua vào. Ở một số khu vực và phân khúc đã xuất hiện việc nhà đầu tư rao bán cắt lỗ hoặc giảm kì vọng. Tuy không lan rộng ra cả thị trường chung nhưng tình trạng này ngày càng tăng lên. Có thực tế, nhiều nhà đầu tư muốn ra hàng nhưng không phải ai cũng chốt giao dịch dễ dàng thời điểm này.
Có nền đất “ngộp” tài chính cần ra hàng nhanh, anh Th (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) gửi rất nhiều môi giới để rao bán, nhưng “muốn bán” cũng không được. “Dù đã giảm giá gần 300 triệu đồng so với mặt bằng chung của thị trường, nhưng mãi không có khách chốt. Trong khi, tôi đang cần tài chính gấp để xử lý việc kinh doanh”, anh Th cho biết.
Được biết, mảnh đất gần 60m2 của anh Th nằm mặt tiền khu vực dân cư đông đúc thuộc quận 9 (cũ, TP.HCM), có thể buôn bán được, rao mức giá 3,4 tỷ đồng/nền, thấp hơn mặt bằng chung gần 300 triệu đồng. Thế nhưng, ngay thời điểm này, không chỉ mình anh Th muốn bán, có khá nhiều nền đất đang rao bán ra, khiến sức cạnh tranh tăng lên. Chưa kể, hoạt động nhà đầu tư đi tìm mua đất khá im ắng trên thị trường thời điểm này cũng khiến thanh khoản chậm.
Cùng tình cảnh, có mảnh đất rộng hơn 3.000 m2 tại một tỉnh ven. TP.HCM, chị Nh rao bán gần 6 tháng này vẫn chưa có giao dịch. Dù không giảm giá bán so với giá mua vào nhưng vì cần xoay dòng tiền nhưng bán mãi không có người hỏi mua cũng khiến chị Nh gặp khó khăn về tài chính. Nhà đầu tư này cho hay, thời điểm trước, khi gửi môi giới bán lại bất động sản, mảnh nào chậm nhất cũng chỉ khoảng 2 tháng là có người mua. Trong khi lúc này, gửi cùng lúc nhiều môi giới nhưng vẫn không có giao dịch.
Theo một nam môi giới đất nền lâu năm tại TP.HCM, hiện tại, lượng khách hàng gửi sản phẩm để bán tăng cao so với đầu năm 2022. Trong đó, một số sản phẩm “ngộp thật”, tức nhà đầu tư cần bán gấp để thu dòng tiền làm việc khác. Mức giá đã giảm kì vọng từ 10-20% so với trước đó. Tuy nhiên, lượng khách gửi bán ra nhiều, còn lượng người quan tâm “xuống tiền” thì khá ít. Vì thế, có những sản phẩm giá tốt thực sự nhưng vẫn không có người hỏi mua.
“Có một số nhà đầu tư bán giá cũ giai đoạn này và dự định, nếu không bán được, cuối năm có thể tăng giá thêm một nấc”, nam môi giới này cho biết.
Quan sát trên thực tế thị trường bất động sản thời điểm này cho thấy: Người muốn bán bất động sản nhiều hơn người muốn mua. Đây là trạng thái dễ thấy trong bối cảnh mà thị trường đã chịu ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 và đợt siết tín dụng. Thị trường xuất hiện khá nhiều nhà đầu tư “cố gồng” sản phẩm để qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, sức gồng có hạn, sau thời gian giữ hàng, nhiều nhà đầu tư cùng lúc muốn ra hàng để thu dòng tiền.
Trong khi đó, về phía người mua, nhất là những nhà đầu tư có tài chính tốt thì ở trạng thái thăm dò, nghe ngóng thị trường nhiều hơn là “xuống tiền”. Vì thế, tình trạng dễ thấy nhất trên thị trường bất động sản lúc này là: Người bán thì muốn bán ra, nhưng không giảm giá; còn người mua thì chờ đợi giá giảm thêm nữa để mua vào. Chính điều này khiến cung – cầu không gặp nhau. Việc nhà đầu tư ra hàng để thu dòng tiền nhanh giai đoạn này không dễ dàng.
Ghi nhận cho thấy, hiện một số khu vực bất động sản tỉnh ven TP.HCM đã có hiện tượng giảm giá. Hoặc ngay cả những dự án đang rao bán cũng giảm giá “ngầm” bằng hình thức khuyến mãi “mạnh tay”. Điều này cho thấy, bên bán bất động sản đang khá “trầy trật” để tìm người mua thời điểm này. Thị trường bất động sản rơi vào trạng thái im ắng sức mua.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, từ thời điểm cuối năm trở đi, thị trường bất động sản dự báo sẽ phục hồi về sức cầu. Đây vẫn là kênh được người mua quan tâm, so với các kênh đầu tư khác. Đặc biệt, những thông tin về nới tín dụng phần nào cũng góp phần ổn định tâm lý người mua bất động sản. Dĩ nhiên, thị trường cũng cần có thời gian để hồi phục sau những biến động trước đó.