
Công ty CP Thép Nam Kim (mã NKG) vừa công bố nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Ống thép do công ty trực thuộc là Công ty TNHH MTV Ống Thép Nam Kim Chu Lai làm chủ đầu tư.
Dự án đặt tại khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp tỉnh Quảng Nam. Tổng công suất dự kiến 150.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng.
Thép Nam Kim ủy quyền cho ông Võ Hoàng Vũ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Ống Thép Nam Kim Chu Lai thực hiện toàn bộ các thủ tục pháp lý, mua sắm thiết bị, đầu tư hạ tầng và các khâu cần thiết để triển khai dự án đúng tiến độ.
Trước đó, dự án nhà máy ống thép ở Chu Lai đã được ban lãnh đạo Thép Nam Kim thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2019. Để thực hiện dự án, Thép Nam Kim đã thành lập công ty con là Công ty TNHH MTV Ống Thép Nam Kim Chu Lai sở hữu 100% vốn, vốn điều lệ 68 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, Thép Nam Kim đã ban hành nghị quyết về việc chấm dứt hoạt động dự án này, không lâu sau khi công bố chủ trương mở rộng sang phân khúc thép mạ cao cấp hơn thông qua dự án mới nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Thép Nam Kim tái khởi động dự án nhà máy ống thép trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, và doanh nghiệp này được dự báo có thể chịu không ít tác động trước những rào cản thuế quan.
Về đầu ra, ngày 4/4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG) với tôn mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo kết quả điều tra sơ bộ này, mức thuế CPBG được áp dụng với Hoa Sen là 59%; với Hòa Phát và Nam Kim là 49,42%.
Về đầu vào, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời (AD20) đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế từ 19,4% đến 27,8%. Theo giới phân tích, quyết định này cũng sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn đến các doanh nghiệp tôn mạ đang phụ thuộc vào HRC nhập khẩu như Nam Kim.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán ABS ước tính trong nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ lớn, doanh thu từ thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng khoảng 25% với Nam Kim. Do đó, xét về mức độ ảnh hưởng nếu Mỹ áp dụng mức thuế CBPG cao với sản phẩm tôn mạ từ Việt Nam thì các doanh nghiệp như Nam Kim sẽ chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cũng theo số liệu từ DOC, Mỹ nhập khẩu 626 triệu USD thép mạ Việt Nam trong năm 2021, tăng lên 751 triệu USD trong năm 2022 và sau đó giảm mạnh về 241 triệu USD trong năm 2023. Hiện tại, mức thuế với sản phẩm tôn mạ của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cũng đang ở mức khoảng 25%. Tình hình xuất khẩu tôn mạ cũng đã tương đối ảm đạm từ quý IV/2024 đến quý I/2025 khi sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, riêng Nam Kim trong 2 tháng đầu năm2025, sản lượng tôn mạ xuất khẩu đạt 125 nghìn tấn, giảm 8% so với cùng kỳ. Như vậy, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ nói riêng và các thị trường xuất khẩu nói chung đã ở tình trạng khó khăn từ giai đoạn cuối năm 2024.
ABS cho rằng, việc tăng thuế với các sản phẩm tôn mạ xuất khẩu sang Mỹ sẽ tiếp tục là tín hiệu xấu ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp. Mặc dù đây không phải là diễn biến mới bất ngờ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh khi các doanh nghiệp đã và đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới để bù đắp lại sản lượng bị sụt giảm nhưng các doanh nghiệp tôn mạ nói riêng và ngành thép nói chung sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức và khó khăn thời gian tới trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động, tiềm ẩn nguy cơ về các cuộc chiến tranh thương mại.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn với các biện pháp bảo hộ thương mại trên khắp thế giới, ABS duy trì quan điểm thị trường nội địa là động lực để duy trì tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành thép với hỗ trợ từ sự phục hồi của ngành bất động sản và hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh.
Việc Nam Kim tại khởi động lại dự án ống thép tại Chu Lai không loại trừ khả năng cũng là nhằm mục đích hướng sự tập trung vào thị trường nội địa tương tự như định hướng của nhiều doanh nghiệp thép khác trong giai đoạn căng thẳng thương mại toàn cầu. Vào thời điểm năm 2019 khi khởi động dự án, chủ trương của doanh nghiệp thép này cũng là nhắm tới thị trường miền Trung và miền Bắc.
Trong một diễn biến khác, ngày 25/4 tới, Thép Nam Kim sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 và dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu đạt tổng sản lượng 1,05 triệu tấn; tổng doanh thu 23.000 tỷ đồng, tăng 11,1% so với mức thực hiện năm 2024; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 440 tỷ đồng, giảm 21,1%.
Ban lãnh đạo Nam Kim cho biết, năm nay doanh nghiệp sẽ cơ cấu lại nguồn lực, quản lý vốn vay hiệu quả, mở rộng thị trường nội địa và tăng cường xuất khẩu, đặc biệt vào các thị trường trọng điểm như châu Âu và Bắc Mỹ. Chiến lược năm nay cũng tập trung vào gia tăng tỷ trọng các sản phẩm thép mạ có biên lợi nhuận cao, như tôn mạ màu, tôn mạ hợp kim, vốn phù hợp với mô hình sản xuất khép kín và yêu cầu kỹ thuật cao.
Cùng với đó, công ty đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án trọng điểm - Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 4.500 tỷ đồng. Theo thiết kế, dự án có tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm, gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm; 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm và dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động thương mại từ quý I/2026 và đạt 100% công suất từ năm 2027.