Mới đây, HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) vừa thông qua nghị quyết về việc phê duyệt phương án chào mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco Group), tương đương 43,2% vốn của Sabibeco với giá 22.000 đồng/cổ phiếu. Tổng chi phí dự kiến là 830 tỷ đồng.
Quá trình chào mua dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2024 sau khi nhận được sự chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Hiện tại, Sabeco đang là cổ đông lớn sở hữu gần 14,4 triệu cổ phiếu, tương đương 16,4% cổ phần tại Sabibeco. Nếu chào mua thành công, Sabeco sẽ nâng sở hữu tại Sabibeco lên gần 52,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 59,6% vốn điều lệ, qua đó trở thành công ty mẹ của Sabibeco. Ngoài ra, các bên liên quan của Sabeco cũng nắm giữ 5,5 triệu cổ phiếu SBB, chiếm 6,3% vốn điều lệ của công ty này.
Sabeco cho biết, mục đích của việc chào mua là nâng tỷ lệ sở hữu tại Sabibeco để mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sabibeco tiền thân là Công ty CP Bia Sài Gòn Bình Tây, được thành lập ngày 25/11/2005, với dự án đầu tiên là nhà máy Bia Sài Gòn - Bình Dương và đến nay đã có 6 nhà máy.
Hiện Sabibeco đang là đơn vị sản xuất gia công một số dòng sản phẩm bia của Sabeco như Saigon Lager, Saigon Export, Saigon Special và Saigon 333Export.
Sabibeco là công ty gia công bia Sài Gòn lớn nhất mà Sabeco đang không nắm cổ phần chi phối bên cạnh nhiều công ty khác. Trong năm 2023, doanh thu đến từ việc bán hàng cho Sabeco là 1.645 tỷ đồng, chiếm đến 81% doanh thu của Sabibeco.
Ngoài ra, Sabibeco cũng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu riêng là bia Sagota (Sagota Gold, Sagota Lager, Sagota Pure, Sagota không cồn) và nước uống lúa mạch Malty.
Trong khi đó, theo báo cáo phân tích của FPTS Research, Sabeco hiện là doanh nghiệp có quy mô sản xuất bia lớn thứ 2 tại Việt Nam với công suất thiết kế hiện đạt 2,4 tỷ lít/năm tương đương đáp ứng khoảng 57% nhu cầu tiêu thụ bia trong nước hiện nay.
Công ty hiện có 26 nhà máy sản xuất trải dài từ Bắc vào Nam với tổng hiệu suất các nhà máy bia ước tính đạt xấp xỉ 60%. Với 26 nhà máy, quy mô sản xuất của Sabeco ước tính đạt khoảng 2,4 tỷ lít/năm, xếp sau Heineken với 6 nhà máy và công suất 2,78 lít/năm.
Tuy nhiên, theo FPTS Research, Sabibeco có 6 nhà máy bia với tổng công suất 0,61 tỷ lít/năm, nếu Sabeco thành công nắm quyền kiểm soát Sabibeco, tổng công suất của Sabeco có thể nâng lên 3,01 tỷ lít bia/năm (tăng 25,4% so với công suất hiện tại) và sẽ vượt Heineken trở thành doanh nghiệp bia có quy mô sản xuất lớn nhất Việt Nam.
Số liệu của FPTS cho thấy, thị phần của Sabeco trong giai đoạn 2018 - 2023 đã sụt giảm đáng kể (giảm mạnh từ mức 42% năm 2018 xuống mức 33,9% năm 2023) do vấp phải cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp bia nước ngoài.
Những năm qua, các hãng bia ngoại đã không ngừng nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu của mình và sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng giúp tiếp cận nhiều tệp khách hàng. Ngoài ra, việc Sabeco phải duy trì tăng giá bán đầu ra để bù đắp cho chi phí sản xuất đầu vào tăng cao cũng tác động một phần khiến thị phần của doanh nghiệp sụt giảm. Dù vậy, theo lãnh đạo Sabeco trong nửa đầu năm nay, Sabeco đã giành lại vị thế dẫn đầu ngành.
Trong bối cảnh tiêu dùng trong nước phục hồi khá chậm, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, một số nhận định cho rằng, Sabeco có thể sẽ là công ty được hưởng lợi thông qua các thương hiệu truyền thống của công ty với mức giá bình dân hơn. Điều này phần nào lý giải cho quyết định chi hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phần Sabibeco nhằm mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh giữa bối cảnh ngành bia vẫn đối mặt nhiều thách thức như hiện nay.